Ngành Tòa án cần không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm, bảo đảm thấu tình, đạt lý, nhân văn, thuyết phục

Chiều 24/12, trong Hội nghị trực tuyến và trực tiếp triển khai công tác Tòa án năm 2024 do Tòa án nhân dân tối cao tổ chức tại Đà Nẵng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Uy tín của Tòa án là uy tín của Đảng, Nhà nước và chế độ, là niềm tin của người dân đối công lý, công bằng xã hội. Mỗi bản án được tuyên phải thực sự làm cho mọi người "tâm phục, khẩu phục", khuất phục được tội phạm, thuyết phục được các bên, xã hội đồng tình; có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị tại thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: congly.vn)
Quang cảnh hội nghị tại thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: congly.vn)

Cùng dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Báo cáo tại hội nghị cho biết: Năm 2023, các Tòa án thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh số lượng các loại vụ việc phải giải quyết tiếp tục gia tăng với tính chất, mức độ ngày càng đa dạng, phức tạp. Bên cạnh yêu cầu phải làm tốt công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, các Tòa án còn phải tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp, như việc triển khai thực hiện Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án hay tổ chức các phiên tòa xét xử bằng hình thức trực tuyến.

Đặc biệt, để cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các Tòa án đã nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) nhằm đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu về cải cách tư pháp mà Nghị quyết 27- NQ/TW đã đề ra.

Mặc dù yêu cầu đề ra là rất nặng nề, nhưng nhờ có sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành ở Trung ương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ công chức, viên chức và người lao động, nên các Tòa án đã hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được; trên cơ sở bám sát các yêu cầu nhiệm vụ chính trị của năm 2024, các nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án được xác định là: Quán triệt và thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội; sự chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với công tác tư pháp và cải cách tư pháp.

Đề ra và tổ chức thực hiện quyết liệt các giải pháp đột phá để hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu công tác ở tất cả các mặt hoạt động mà trọng tâm là công tác giải quyết, xét xử các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Đề cao trách nhiệm công vụ; siết chặt kỷ cương, kỷ luật công tác; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm xây dựng Tòa án trong sạch, vững mạnh. Chủ động đề xuất và thực hiện nghiêm các nhiệm vụ về cải cách tư pháp.

Tại hội nghị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã khái quát những thành tựu của ngành Tòa án đạt được trong năm 2023 và khẳng định: Tòa án các cấp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đội ngũ cán bộ, thẩm phán không ngừng tiến bộ, trưởng thành, vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ. Chất lượng, hiệu quả công tác xét xử của các tòa án được nâng lên, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch nước nêu rõ: Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Tòa án các cấp vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót. Trong đó, tỷ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; vẫn còn một số vụ án giải quyết quá thời hạn luật định, do nguyên nhân chủ quan; năng lực, trách nhiệm, phẩm chất của một số cán bộ còn yếu, cá biệt có cán bộ vi phạm pháp luật...; việc tổ chức thi hành án tử hình chậm, số bị án tử hình cần phải thi hành còn thấp.

Những hạn chế, thiếu sót nêu trên đã có nhiều ảnh hưởng đến hoạt động, uy tín của ngành Tòa án. Ngành Tòa án cần cầu thị đánh giá, nhìn nhận, rút kinh nghiệm, có giải pháp phù hợp, khắc phục những hạn chế, thiếu sót nêu trên, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác trong năm tới.

Đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 đã nêu trong Báo cáo của ngành, Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy và lãnh đạo tòa án các cấp tiếp tục quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chú trọng đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của toà án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; bảo đảm thực chất tính độc lập của 2 cấp xét xử...

Uy tín của Tòa án là uy tín của Đảng, Nhà nước và chế độ, là niềm tin của người dân đối với công lý, công bằng xã hội. Mỗi bản án được tuyên phải thật sự làm cho mọi người "tâm phục, khẩu phục", khuất phục được tội phạm, thuyết phục được các bên, xã hội đồng tình; có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng

Chủ động nghiên cứu, xây dựng các đề án đã được giao; thể chế hóa kịp thời các nghị quyết của Đảng về công tác tư pháp thuộc nhiệm vụ của Ngành thành các quy định pháp luật, đảm bảo thống nhất, đồng bộ.

Theo Chủ tịch nước, ngành Tòa án cần tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, bảo đảm thấu tình, đạt lý, nhân văn, thuyết phục.

Uy tín của Tòa án là uy tín của Đảng, Nhà nước và chế độ, là niềm tin của người dân đối với công lý, công bằng xã hội. Mỗi bản án được tuyên phải thật sự làm cho mọi người "tâm phục, khẩu phục", khuất phục được tội phạm, thuyết phục được các bên, xã hội đồng tình; có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương.

Vì thế, nhiệm vụ quan trọng nhất của các tòa án là phải nâng cao chất lượng xét xử; chú trọng hoạt động tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; hạn chế thấp nhất các bản án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán.

Phải nâng cao chất lượng, tính chính xác, tính khả thi, các phán quyết của tòa án, nhất là việc áp dụng các hình phạt... Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử, chấn chỉnh kịp thời các sai sót trong hoạt động nghiệp vụ. Khi phát hiện các bản án sai sót phải thành tâm nhận khuyết điểm, khẩn trương, kiên quyết khắc phục, sửa chữa để bảo vệ quyền và lợi ích tổ chức, cá nhân, đó cũng là cách để nâng cao uy tín của Tòa án.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng, trong quá trình xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, ngành Tòa án phải nghiên cứu, đánh giá, quyết định hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội của các bị cáo; có hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn; khoan hồng với người làm công ăn lương, phạm tội lần đầu, khai báo thành khẩn; chú trọng và thực hiện có hiệu quả việc thu hồi tài sản của tổ chức, cá nhân bị chiếm đoạt, thất thoát, thiệt hại.

Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giải quyết các vụ việc, vụ án dân sự, hành chính, có giải pháp khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra; làm tốt công tác nghiên cứu, lựa chọn, phát triển án lệ trong giải quyết án hành chính.

Chủ tịch nước nêu rõ: Ngành Tòa án cần tập trung xây dựng thể chế, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Hoàn thiện dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật được phân công chủ trì bảo đảm tiến độ, chất lượng; không để bị tác động, chi phối hoặc lồng ghép lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật; không để chậm, nợ văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật.

Đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn xét xử, xây dựng, ban hành các nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thông tư hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, tăng cường phát triển án lệ, giải đáp kịp thời các vướng mắc về chuyên môn, nghiệp vụ...

Đối với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), trong khi chờ Quốc hội thông qua, ngành Tòa án cần chủ động xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai ngay sau khi Luật được ban hành.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chỉ đạo Tòa án nhân dân tối cao chủ động phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, tham mưu, thực hiện tốt hai nội dung sau: Trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định đơn xin ân giảm hình phạt tử hình. Sớm tiến hành thi hành án tử hình khi đã đủ điều kiện. Hạn chế thấp nhất tình trạng tồn đọng hồ sơ xin ân giảm hình phạt tử hình và thi hành án tử hình hiện nay.

Tham mưu cho Chủ tịch nước quyết định đặc xá nhân ngày lễ, sự kiện lớn của đất nước hoặc trường hợp đặc biệt. Đây là việc làm nhân đạo, thể hiện sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước đối với người bị kết án phạt tù theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Chất lượng nền tư pháp xét cho cùng do cán bộ tư pháp quyết định; mỗi sai sót trong thực thi công vụ của cán bộ tư pháp đều ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thậm chí là tính mạng của người dân.

Cho rằng, chất lượng nền tư pháp xét cho cùng do cán bộ tư pháp quyết định; mỗi sai sót trong thực thi công vụ của cán bộ tư pháp đều ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thậm chí là tính mạng của người dân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Ngành Tòa án phải hết sức coi trọng, ưu tiên hàng đầu việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ thẩm phán thực sự ”phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, có đạo đức trong sáng, thanh liêm, chính trực, giàu lòng nhân ái, có phương pháp công tác khoa học, sâu sát, thận trọng, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông pháp luật, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của khoa học-công nghệ hiện nay.

Coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức, đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức. Quan tâm xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành. Làm tốt công tác thi tuyển chọn, nâng ngạch thẩm phán; chú trọng kiện toàn đội ngũ lãnh đạo tòa án các cấp; công tác luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ, lãnh đạo, quản lý để rèn luyện, thử thách, phát huy năng lực, sở trường công tác. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tòa án các cấp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Chủ tịch nước đề nghị ngành Tòa án tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các đoàn thể trong ngành Tòa án thực sự trong sạch, vững mạnh.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của tòa án, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể trong mỗi cơ quan tòa án. Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng, chất lượng đảng viên trong Ngành.

Đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên ngành Tòa án trong xã hội, nhất là người đứng đầu tòa án các cấp; xây dựng ngành Tòa án trong sạch, vững mạnh. Thực hiện nghiêm Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Tại hội nghị, Tòa án nhân dân tối cao phát động phong trào thi đua năm 2024 trong Tòa án nhân dân với chủ đề: Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Tòa án nhân dân đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 79 năm Truyền thống Tòa án nhân dân và các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2024; ra mắt bộ sách Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam