Chánh án Tòa án nhân dân tối cao:

Tòa án không thu thập chứng cứ gây bất lợi cho người dân

NDO - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhận định, khi sửa Luật Tổ chức Tòa án nhân dân có cơ sở chính trị là Nghị quyết 27 về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa để sửa luật này tốt hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi thảo luận tổ chiều 9/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi thảo luận tổ chiều 9/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Cải cách tư pháp là cơ sở chính trị quan trọng để sửa Luật Tổ chức Tòa án nhân dân

Thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) chiều 9/11, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu nhiều quan điểm về “triết lý” sửa luật lần này. Theo ông, gần đây có Nghị quyết 27 của Trung ương về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó có cải cách tư pháp và đây là cơ sở chính trị quan trọng để sửa luật này.

Khẳng định ngành tòa án đã làm nhiều việc để “mong muốn nâng tầm nền tư pháp nước nhà”, Chánh án nhắc lại ý kiến của đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Nam Định) tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội khi đề cập đến giải thích luật hay giải thích cách áp dụng luật và nói đó là hai câu chuyện khác nhau.

“Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử chúng ta làm từ xưa tới giờ. Thậm chí điều tra viên, kiểm sát viên ý kiến khác nhau, tòa án tuyên bản án căn cứ vào điều luật nào, bản án phải giải thích vì sao áp dụng điều này mà không phải áp dụng điều kia. Người dân có quyền biết vì sao họ thua, vì sao bị cáo phải đi tù 5 năm mà không phải 10 năm”, Chánh án nói.

Giải thích áp dụng luật vì vậy không phải là tăng quyền mà là tăng trách nhiệm của thẩm phán, giải thích để người dân tâm phục, khẩu phục. “Nhiệm vụ này không thay thế được giải thích pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng không thay thế được Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao”, Chánh án khẳng định.

Về thu thập chứng cứ, Chánh án cho hay, không nước nào trên thế giới cho tòa thu thập chứng cứ. Việc thu thập chứng cứ thuộc về các cơ quan tố tụng cả hình sự lẫn dân sự. Trong nguyên tắc tố tụng, tranh tụng thì tòa đứng giữa bảo đảm công bằng, khách quan, không nghiêng về bên nào.

“Nếu đứng về một bên sẽ thiếu khách quan, không lẽ toà án lại đi thu thập chứng cứ có lợi cho cơ quan nhà nước, bất lợi cho người dân?”, Chánh án nêu vấn đề và nêu quy định trong dự thảo về việc tòa án hỗ trợ thu thập chứng cứ cho người yếu thế.

Dự luật cũng dự kiến bỏ quy định tòa án khởi tố tại tòa để bảo đảm tính chất trung tâm xét xử của tòa án. Việc tòa án khởi tố tại tòa trên thực tế cũng không hiệu quả.

Tòa án không thu thập chứng cứ gây bất lợi cho người dân ảnh 1

Quang cảnh buổi thảo luận tại Tổ 15 chiều 9/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

“Chúng ta lựa chọn mô hình tố tụng suy đoán vô tội, nếu chứng cứ không đủ chứng minh thì tòa trả điều tra bổ sung một lần, sau đó tuyên vô tội”, Chánh án nói.

Đổi tên tòa án cấp tỉnh, huyện còn nhiều ý kiến khác nhau

Về quy định dự kiến tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử, tức là đổi mới về tổ chức tòa án cấp tỉnh, huyện, Chánh án cho hay còn nhiều ý kiến băn khoăn.

“Đổi mới với tòa án cấp cao, tòa án tối cao, thành lập tòa án chuyên biệt cơ bản các ý kiến ủng hộ. Nhưng đổi tòa án cấp tỉnh thành tòa án phúc thẩm, tòa án huyện thành sơ thẩm thì còn ý kiến khác nhau”, Chánh án cho hay.

Nhắc tới Nghị quyết 27, Hiến pháp 2013 quy định 2 cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, trường hợp đặc biệt thì có giám đốc thẩm, tái thẩm…, Chánh án nêu rõ đây là câu chuyện không mới, có từ thời Hiến pháp 1946.

“Tổ chức theo thẩm quyền xét xử phản ánh đúng bản chất tố tụng, phù hợp với thẩm quyền, bảo đảm tính độc lập và phù hợp với tổ chức tòa án quốc tế. Nguyên tắc tòa án là cơ quan xét xử của nhà nước, thực hiện quyền tài phán quốc gia chứ không phải quyền tài phán của tỉnh, huyện. Nếu như thế có thể bị ngộ nhận là tòa án tỉnh chỉ đạo tòa án huyện về mặt hành chính. Như vậy không bảo đảm tính độc lập”, Chánh án phân tích.

“Vì điều khoản thi hành quy định từ nay trở đi, tòa án huyện được hiểu là tòa án sơ thẩm, tòa án tỉnh được hiểu là tòa án phúc thẩm. Có ý kiến vì sao phúc thẩm cũng vẫn sửa các vụ sơ thẩm, theo luật hiện hành, các vụ án tham nhũng lớn, huyện chưa đủ năng lực thì đưa lên tỉnh xử, gọi là phúc thẩm nhưng vẫn xử sơ thẩm. Cái này chúng ta căn cứ nhiệm vụ chủ yếu. Huyện xử sơ thẩm. Tỉnh chủ yếu xử phúc thẩm, trong một số trường hợp luật giao thì tỉnh vẫn xử sơ thẩm”, Chánh án giải thích.

Về chế định thẩm phán, luật hiện hành đang quy định thẩm phán cấp huyện gọi là thẩm phán sơ cấp; thẩm phán cấp tỉnh là thẩm phán trung cấp, thẩm phán ở toà án cấp cao là thẩm phán cao cấp, thẩm phán ở Tòa án nhân dân tối cao là thẩm phán tối cao.

Tòa án không thu thập chứng cứ gây bất lợi cho người dân ảnh 2

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi thảo luận tổ chiều 9/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

“Điều này gây ra những điều cực kỳ khó khăn cho công việc chúng tôi. Thí dụ một huyện nào đó ở Bắc Giang rất nhiều việc, muốn điều một thẩm phán ở tòa án tỉnh Bắc Giang để hỗ trợ, giải quyết cho nhanh thì không làm được được, vì ông thẩm phán trung cấp không xử các vụ sơ cấp”, Chánh án nêu rõ.

Đồng thời, điều này cũng ảnh hưởng đến niềm tin. Theo Chánh án, trong nhiều đơn kiện của người dân, họ yêu cầu vụ án phải do thẩm phán cao cấp, trung cấp xử, không tin thẩm phán sơ cấp xử, cho rằng trình độ không đáng tin cậy…, nên xử xong họ nhất định phải kháng cáo, khiến vụ án kéo dài. Trong khi đó, nhiều thẩm phán sơ thẩm kiến thức, kinh nghiệm còn hơn cả thẩm phán cao cấp, nhưng mang mãi danh thẩm phán sơ cấp.