Ngành thực phẩm châu Âu 'thấp thỏm' trước khả năng Trung Quốc áp thuế trả đũa

Trung Quốc đang chuẩn bị yêu cầu điều tra một số sản phẩm nhập khẩu sữa và thịt lợn của EU, động thái được cho là trả đũa việc EU áp thuế chống trợ cấp cho xe điện do Bắc Kinh sản xuất.
0:00 / 0:00
0:00
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu thịt lợn lớn của EU. (Nguồn: Bloomberg)
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu thịt lợn lớn của EU. (Nguồn: Bloomberg)

Các công ty thực phẩm toàn cầu, từ nhà sản xuất sữa đến nhà xuất khẩu thịt lợn, đang trong tình trạng báo động cao về khả năng bị áp thuế quan trả đũa từ Trung Quốc sau quyết định của Liên minh châu Âu (EU) vào hôm 12/6 về việc áp thuế chống trợ cấp cho xe điện do Trung Quốc sản xuất.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, các công ty trong nước đang chuẩn bị yêu cầu điều tra một số sản phẩm nhập khẩu sữa và thịt lợn của EU vì lo ngại trợ cấp hoặc bán phá giá, động thái có thể dẫn đến đình chỉ thương mại kéo dài.

Bà Kimberly Crewther, Giám đốc điều hành của Hiệp hội các Công ty Sữa New Zealand cho biết: "Nếu có thêm rào cản thương mại, nó có thể gây ra sự xáo trộn của thị trường toàn cầu".

New Zealand là nước xuất khẩu sản phẩm sữa lớn nhất thế giới và cũng là cơ sở sản xuất của các công ty nước ngoài bao gồm nhà sản xuất sữa Pháp Danone.

Theo dữ liệu từ hải quan Trung Quốc, EU là nguồn cung cấp sản phẩm sữa lớn thứ hai của Trung Quốc với ít nhất 36% tổng giá trị nhập khẩu trong năm 2023, chỉ sau New Zealand và Australia.

Mặc dù vẫn chưa rõ Trung Quốc có thể nhắm vào sản phẩm nào để trả đũa, nhưng sữa bột, kem sữa và sữa tươi là những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu trong tổng trị giá 1,7 tỷ euro (1,8 tỷ USD) giá trị xuất khẩu các sản phẩm sữa của EU sang Trung Quốc vào năm ngoái.

Các quốc gia bao gồm Hà Lan, Pháp, Đức, Ireland và Đan Mạch có ngành công nghiệp sữa tiếp xúc nhiều nhất với thị trường Trung Quốc.

Hà Lan, Đan Mạch và Pháp cũng là những nhà cung cấp thịt lợn lớn cho Trung Quốc, mặc dù Tây Ban Nha là nhà cung cấp hàng đầu của Trung Quốc vào năm ngoái, chiếm gần 23% tổng nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc, tiếp theo là Brazil và Mỹ.

Bà Cristina Alvarado, Giám đốc thương mại dữ liệu và thông tin chi tiết tại New Zealand Exchange, cho biết việc tăng thuế quan hoặc rào cản thương mại của Trung Quốc đối với sữa của EU có thể giúp New Zealand mở rộng thị phần hơn nữa tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các nhà sản xuất sữa hàng đầu New Zealand là Fonterra và A2 đã có hoạt động thương mại sôi động với Trung Quốc, và cả Australia và New Zealand đều có các hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc, giúp hàng nhập khẩu của họ được miễn thuế.

Ủy viên Nông nghiệp EU Janusz Wojciechowski nói trong chuyến thăm Trung Quốc vào cuối tháng Tư vừa qua rằng ông có ý định "tránh càng nhiều càng tốt việc nông nghiệp phải trả giá cho các vấn đề thương mại của các ngành khác".

Ông nói thêm: "Lập trường của EU là thương mại mở về thực phẩm là một công cụ rất quan trọng để bảo đảm an ninh lương thực ở cấp độ toàn cầu".

Vào tháng 1/2024, rượu mạnh đã trở thành mục tiêu trong một cuộc điều tra do Trung Quốc khởi xướng. Đây được coi là hành động trả đũa cho việc Pháp ủng hộ cuộc điều tra của EU đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất.

Hồi tháng 4/2024, Trung Quốc cũng thông qua luật nhằm tăng cường khả năng đáp trả nếu Mỹ hoặc EU áp thuế quan đối với hàng xuất khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.