Ngành lương thực, thực phẩm hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh

Ngành lương thực, thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh là một trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm được ưu tiên phát triển, chiếm 14-15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Mục tiêu của ngành trong thời gian tới là xây dựng ngành lương thực, thực phẩm xanh, sạch, hữu cơ và thân thiện với môi trường theo tiêu chuẩn ESG.
0:00 / 0:00
0:00
Khách hàng tham quan, mua sắm tại Tuần lễ Triển lãm sản phẩm ngành lương thực, thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023.
Khách hàng tham quan, mua sắm tại Tuần lễ Triển lãm sản phẩm ngành lương thực, thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, cũng như hướng đến mục tiêu xuất khẩu trong tương lai, Công ty TNHH Liên kết Việt Mỹ, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường. Đến nay, sản phẩm của công ty đã được cấp các chứng nhận về chất lượng như ISO 22000-2018, HACCP, GMP.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Liên kết Việt Mỹ cho biết: Để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm nay, đồng thời hướng đến mục tiêu xây dựng sản phẩm sạch, hữu cơ, công ty đã tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì. Sản phẩm chủ lực của công ty là sản xuất các sản phẩm từ tổ yến, đông trùng hạ thảo thân thiện với môi trường, có tác dụng tốt cho việc bảo vệ sức khỏe.

Theo các chuyên gia, ngành lương thực, thực phẩm đã từng bước chuyển sang phát triển theo chiều sâu, nhiều sản phẩm có chất lượng, thương hiệu uy tín chiếm lĩnh thị trường trong nước, thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất sang nhiều nước trên thế giới. Doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm chú trọng cải tiến sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, sử dụng các nguyên liệu xanh, hữu cơ và thân thiện với môi trường.

Từ đó, từng bước đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Đáng chú ý trong xu thế khai mở các thị trường mới như hiện nay, doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm đã nỗ lực không ngừng nhằm đạt được chứng nhận Halal, góp phần đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường của các nước Hồi giáo.

“Kể cả hai năm ảnh hưởng dịch Covid-19 và thời gian sau dịch, ngành chế biến lương thực, thực phẩm đều gia tăng về sản lượng. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm bắt đầu nhận được các đơn hàng xuất từ nước ngoài cho năm 2024 với chiều hướng khả quan hơn”, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

Để ngành lương thực, thực phẩm thành phố tiếp tục phát triển và giữ vững vai trò là một ngành sản xuất chủ lực, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Thành phố đã ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành chế biến lương thực, thực phẩm giai đoạn 2022-2025, xem đây là một trong những chương trình đột phá để thành phố tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ, huy động nguồn lực đầu tư phát triển.

Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan, Hội Lương thực, thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn ESG vào sản xuất (ESG là cụm từ viết tắt cho Environmental-môi trường, Social-xã hội và Governance-quản trị, là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng).

Theo Hội Lương thực, thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, trên thế giới, áp dụng ESG đang là xu hướng của các doanh nghiệp. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm đã và đang tiếp tục nỗ lực trong việc giảm thải khí các-bon và rác thải, sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào có trách nhiệm xã hội, nhằm đáp ứng các tiêu chí ESG hướng đến thị trường xuất khẩu.

Trong đó, một số doanh nghiệp thành viên của Hội Lương thực, thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang áp dụng thành công ESG. Hiện tại, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng như ngành hàng lương thực, thực phẩm và đồ uống đang từng bước thực hiện mục tiêu phát triền bền vững.

Cụ thể, các doanh nghiệp này đang hướng đến sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, quan tâm đến phát triển kinh tế địa phương, các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, nhất là tập trung vào sản xuất sản phẩm xanh, sản phẩm được gắn nhãn xanh. Tuy nhiên, các hoạt động này cũng mới chỉ bước đầu triển khai, chỉ là phần nhỏ trong chương trình phát triển bền vững theo các tiêu chuẩn ESG, do nhiều nguyên nhân như thiếu nguồn lực, thiếu kinh nghiệm và hạn chế về kỹ năng. Vì vậy, các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm cải thiện chỉ số ESG trong quá trình sản xuất để hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh. Đây là tiền đề quan trọng giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm, tham gia vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu, hướng đến xuất khẩu bền vững.