Ngành khoai mì Việt Nam hướng đến mục tiêu xuất khẩu 2,5 tỷ USD

NDO - Ngành khoai mì Việt Nam phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu khoai mì và các sản phẩm từ khoai mì đạt khoảng 2,3-2,5 tỷ USD vào năm 2050.
0:00 / 0:00
0:00
Các diễn giả tại tọa đàm.
Các diễn giả tại tọa đàm.

Ngày 31/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức tọa đàm với chủ đề “Sáng tạo xanh-Đưa khoai mì vào ẩm thực Việt”.

Tại tọa đàm, theo nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương, sự sáng tạo trong ẩm thực Việt còn được thể hiện qua việc khoai mì (hay còn gọi là củ sắn, củ mì) được chế biến thành nhiều món ăn phong phú khác nhau.

Khoai mì, từ lâu đã trở thành một nguyên liệu quen thuộc trong ẩm thực Việt Nam, từ các món mặn như nấu bánh canh, hấp khoai mì trộn dừa, đậu phộng, mè, đến các món chay như bánh tráng cuốn với các loại rau củ… Đây còn là nguyên liệu chế biến các loại bánh kẹo và nước giải khát.

Thực tế, Tây Ninh là địa phương có diện tích trồng khoai mì lớn thứ hai cả nước, với 61 nghìn ha đất sản xuất, chiếm 23% diện tích đất nông nghiệp của địa phương này. Sản lượng hằng năm đạt khoảng 2 triệu tấn, cao nhất cả nước. Hiện nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp đã tận dụng nguồn cung, không ngừng sản xuất giá trị gia tăng cho khoai mì.

Ông Đặng Khánh Duy, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Nhiên, mang đến cho tọa đàm sản phẩm bánh tráng làm từ khoai mì không nhúng nước. Sản phẩm bảo đảm đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa dễ xuất khẩu, vừa tạo ra một loại bánh tráng ngon có nguồn gốc từ khoai mì.

Ngành khoai mì Việt Nam hướng đến mục tiêu xuất khẩu 2,5 tỷ USD ảnh 2
Quang cảnh tọa đàm.

Theo nghệ nhân Bùi Thị Sương, tại các chợ ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, và Phú Yên, các quầy bánh tráng được bày bán phổ biến. Các sản phẩm bánh tráng từ khoai mì đã xuất hiện tại các khách sạn 5 sao, góp phần quảng bá ẩm thực Việt Nam ra quốc tế.

Tuy nhiên, các sản phẩm cần đáp ứng chất lượng sạch và yêu cầu xanh.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nhấn mạnh: “Bản thân doanh nghiệp làm sản xuất ở thời kỳ này tự giác với vấn đề môi trường”, và thêm rằng trong chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế, bao giờ cũng có yếu tố xanh. Các doanh nghiệp phải luôn quan tâm đến tiêu chí phát triển bền vững cho mỗi sản phẩm khi nghĩ đến xuất khẩu.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng chú trọng đến việc phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, từ việc trồng trọt, thu hoạch, đến chế biến và tiêu thụ.

Theo chia sẻ của ông Đặng Khánh Duy, nhà máy của Tân Nhiên phải chỉnh sửa nhiều lần cho đến khi đạt chuẩn FSSC 22000. Ông Khánh Duy mong muốn “mang sản phẩm chuẩn xuất khẩu cho người trong nước”. Ngoài ra, nhà máy còn áp dụng mô hình biogas hạn chế năng lượng hóa thạch trong quá trình hấp-sấy bánh tráng.

Tầm nhìn đến năm 2050, ngành khoai mì Việt Nam đặt mục tiêu đạt được 70-80% diện tích trồng mì áp dụng quy trình canh tác bền vững. Sản lượng mì tươi dùng để chế biến sâu các sản phẩm như tinh bột, etanol, mì chính… dự kiến chiếm hơn 90%. Kim ngạch xuất khẩu mì và các sản phẩm từ mì ước tính đạt khoảng 2,3-2,5 tỷ USD.