Cây sắn được trồng hầu hết là quảng canh, năng suất và giá trị thấp (hiện năng suất bình quân chỉ đạt 18,5 tấn củ /ha), ngày càng không có nhiều chỗ đứng, đang dần nhường chỗ cho các cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị cao hơn.
Tưởng là cây sắn sẽ lùi dần trong lặng lẽ, nhưng rồi mươi năm trở lại đây nó lại được ngành năng lượng “ưu ái” đẩy lên với chương trình năng lượng sinh học. Việc quảng bá sử dụng xăng E5 là một thử nghiệm đáng trân trọng của ngành dầu khí, với mong muốn góp phần làm giảm ô nhiễm không khí, đồng thời tạo thêm đầu ra cho cây sắn, cũng là giúp nông dân. Xem ra thì chương trình năng lượng sinh học của ngành năng lượng có tham vọng không nhỏ, không chỉ với một hệ thống nhà máy chế cồn ethanol hiện đại, mà còn kèm theo một quy hoạch mở rộng vùng nguyên liệu sắn cho hàng chục năm tới.
Tiếc là đến nay sau tám năm, từ khi xăng E5 được tung ra thị trường (2008), người tiêu dùng vẫn chưa mặn mà với nó. Sự tiêu thụ chậm chạp xăng E5 làm các nhà máy chế biến cồn ethanol phải sản xuất cầm chừng, cái thì mới sản xuất thử, cái thì đang xây dang dở. Còn người trồng sắn thì lao đao với chuyện tìm đầu ra! Ngành năng lượng chắc chắn sẽ phải tính toán lại chiến lược năng lượng sinh học dựa chủ yếu vào sắn, xem hiệu quả có bền vững hay không?
Không nên chỉ thấy lợi ích ở khâu “sử dụng sạch” mà còn phải xét cả hiệu quả kinh tế, môi trường trong toàn bộ quá trình tạo nên sinh khối và chế biến nó nữa. Dư luận tỏ ra lo ngại với cái giá môi trường, khi nhìn thấy sự ô nhiễm nguồn nước qua sự vận hành của hàng trăm nhà máy chế biến sắn đang hoạt động. Còn nữa, với dự án mở rộng diện tích trồng sắn sẽ khó tránh khỏi nguy cơ phá rừng, phá nát quy hoạch sản xuất cây công nghiệp mà nhiều tỉnh ở Tây Nguyên và miền trung đang đối mặt.
Mặt khác, việc sử dụng năng lựợng sạch từ sinh khối cây trồng trên thế giới vẫn là chủ đề gây tranh cãi, bởi con đường từ quang hợp đến sinh khối, rồi lên men, đốt cháy sinh năng lượng hết sức phức tạp và tốn kém. Từ lâu sắn là loại cây lương thực chủ yếu dùng cho người, cho chăn nuôi, vì vậy nếu định dùng cả cho nhiên liệu thì phải tính toán kỹ lưỡng. Nhất là khi nước ta là một trong số các nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.
Hai vựa lúa lớn của đồng bằng sông Cửu long và sông Hồng sẽ bị uy hiếp nghiêm trọng do nước biển dâng, nhiễm mặn. Do đó càng phải quý trọng từng tấc đất để bù lại cái mất đang ở trước mắt. Còn nữa, Hiệp định TPP sẽ là thử thách lớn, đòi hỏi nghiêm ngặt về chất lượng cũng như tiêu chuẩn môi trường. Nó đồng thời cũng tạo nên thị trường rộng mở, giúp cho ngành nông nghiệp có nhiều sự lựa chọn các loại cây trồng có giá trị cao hơn, hiệu quả hơn.