Ngành hải quan nỗ lực cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

NDO - Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn ngành hải quan phối hợp các ngành khác có liên quan tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nhận thức, kỹ năng trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành, tuân thủ pháp luật hải quan. Sự đồng hành của ngành hải quan sẽ là động lực giúp doanh nghiệp phục hồi và bứt phá trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Các diễn giả tham gia DIễn đàn Hải quan - Doanh nghiệp.
Các diễn giả tham gia DIễn đàn Hải quan - Doanh nghiệp.

Đó là chia sẻ của Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng tại Diễn đàn Hải quan - Doanh nghiệp 2023 với chủ đề "Hải quan Việt Nam: Tạo động lực mới cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá" do Tạp chí Hải quan tổ chức ngày 6/9 tại Hà Nội.

Diễn đàn Hải quan - Doanh nghiệp thu hút sự quan tâm, tham dự của hơn 250 đại biểu, doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Triển khai nhiều giải pháp

Diễn đàn là sự kiện thường niên nhằm ghi nhận sự tham gia, đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp vào quá trình cải cách, hiện đại hóa hải quan; xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật về hải quan của doanh nghiệp.

Đây cũng là dịp để ngành hải quan đưa ra thông điệp về tiếp tục cải cách hiện đại hóa, phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp và các bên liên quan; qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động tạo thuận lợi thương mại và logistics phát triển.

Theo báo cáo từ Tổng cục Hải quan, ngành hải quan đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030, hướng tới mục tiêu xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới; dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình hải quan thông minh.

Phó Tổng cục trưởng Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan đã giao chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023 với 10 nhóm chỉ tiêu cải cách đi kèm là các giải pháp để thực hiện.

Trong đó, đáng chú ý tỷ lệ tờ khai luồng đỏ giảm 5%, giảm 10% tỷ lệ tờ khai luồng vàng; giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng; tăng 20% số lượng doanh nghiệp tự nguyện tham gia Chương trình hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan so với năm 2022...

Tính đến hết năm 2022, đã có 74 doanh nghiệp được áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên theo chương trình doanh nghiệp ưu tiên về hải quan triển khai từ năm 2014. Điều này cho thấy những hiệu quả tích cực trong tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Nhấn mạnh đến việc triển khai chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan, Phó Tổng cục trưởng Hải quan Hoàng Việt Cường chia sẻ, năm 2022, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định về việc triển khai thực hiện và đẩy mạnh tại các cục hải quan địa phương với hàng loạt bản ghi nhớ được ký kết giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp. Đây là một hoạt động thiết thực mà ít cơ quan quản lý thực hiện.

Đặc biệt từ đầu năm 2023, Tổng cục Hải quan đã ký thỏa thuận công nhận chương trình doanh nghiệp ưu tiên với Hải quan các nước thành viên ASEAN. Đây là thỏa thuận về doanh nghiệp ưu tiên đầu tiên với nước ngoài mà Việt Nam ký kết và triển khai thực tế.

Theo định hướng đặt ra trong chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định về doanh nghiệp ưu tiên trên cơ sở khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) để mở rộng đối tượng tham gia và tiếp tục thúc đẩy triển khai các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên giữa Hải quan Việt Nam và hải quan các nước đối tác quan trọng trên thế giới.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Vì vậy, việc ngành hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp cũng chính là bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, nhất trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, khi hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới đã và đang diễn biến hết sức phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi khó lường.

Ngành hải quan xác định cùng với tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Ngành cũng tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Trong thời gian tới, ngành hải quan sẽ xem xét mở rộng đối tượng để thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia và hưởng thụ chính sách. Đồng thời, đặt mục tiêu sau 2 năm triển khai, 100% doanh nghiệp sẽ tham gia chương trình không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2 (tuân thủ cao), mức 3 (tuân thủ trung bình).

Sau 5 năm thực hiện chương trình, thông qua các hoạt động hỗ trợ và việc tự nguyện tuân thủ của doanh nghiệp, phấn đấu tăng tỷ lệ doanh nghiệp tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng khẳng định, sự tương tác giữa ngành hải quan và doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng và không thể thiếu trong công tác gác cửa của dòng chảy thương mại để bảo đảm sự thông quan tốt hơn cho hàng hóa của Việt Nam ra thế giới và hàng hóa phục vụ sản xuất được nhập khẩu về Việt Nam.

Sự tương tác giữa hải quan và doanh nghiệp giúp cho doanh nghiệp hiểu đúng và thấy được những điểm nghẽn của mình đang ở đâu để bổ sung, chỉnh sửa khắc phục. Đồng thời, ngành hải quan đã coi doanh nghiệp là một đối tác cùng hợp tác để hoàn thành nhiệm vụ.

Sự tương tác này là yếu tố tích cực trong nhận thức cũng như tạo được tính đồng thuận cao, tạo ra sự tự nguyện trong việc tuân thủ các pháp luật liên quan đến hải quan nói riêng và các pháp luật khác nói chung trong một văn hóa tương tác hiện đại, cởi mở cùng phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ.

Sự tương tác giữa ngành hải quan và doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng và không thể thiếu trong công tác gác cửa của dòng chảy thương mại để bảo đảm sự thông quan tốt hơn cho hàng hóa của Việt Nam ra thế giới và hàng hóa phục vụ sản xuất được nhập khẩu về Việt Nam.

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng

Bên cạnh các nội dung đã nêu, Diễn đàn cũng lắng nghe, chia sẻ từ các đơn vị của cơ quan hải quan, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và các chuyên gia thông qua 2 phiên thảo luận về vấn đề hoàn thiện thể chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại tạo động lực mới cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá; xây dựng các giải pháp công nghệ thông tin hỗ trợ các yêu cầu quản lý Nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, hướng tới hải quan số, hải quan thông minh…

Đồng thời, có những đánh giá, nhằm hoàn thiện chính sách về doanh nghiệp, ưu tiên nâng cao trách nhiệm và quyền lợi doanh nghiệp, cũng như có những đánh giá về chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

Trong khuôn khổ diễn đàn, Tổng cục Hải quan cũng đã lựa chọn, biểu dương 10 doanh nghiệp tiêu biểu, tích cực tham gia "Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan".