Ngành bảo hiểm phát triển bền vững dựa trên cơ chế quản lý tài chính minh bạch
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến hết tháng 7/2023 quy mô thị trường bảo hiểm tăng 11,77% so với cùng kỳ năm trước với giá trị tổng tài sản khoảng 870.002 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) quay trở lại nền kinh tế ước đạt 727.964 tỷ đồng, tăng 14,19% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, tính riêng các DNBH nhân thọ chiếm khoảng 662.407 tỷ đồng.
Trên thực tế, đây không phải là năm đầu tiên tổng đầu tư trở lại nền kinh tế của các DNBH tăng ở mức ấn tượng trong 7 tháng đầu năm. Điều này chứng minh được vai trò quản lý, giám sát hiệu quả từ phía cơ quan Nhà nước. Xuất phát điểm từ quyết định “mở cửa” nền kinh tế tại Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986), việc Chính phủ ban hành nghị định 100 CP về hoạt động kinh doanh bảo hiểm (năm 1993), Luật Kinh doanh bảo hiểm được Quốc hội thông qua năm 2000, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội XV và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đều được xem là những “đòn bẩy” thúc đẩy ngành bảo hiểm phát triển trong 30 năm qua.
Đi kèm chính sách hỗ trợ, các điều khoản trong khuôn khổ pháp lý cũng cho thấy sự khắt khe và thận trọng của các đơn vị quản lý Nhà nước khi một DNBH muốn phát triển sản phẩm mới trên thị trường. Ông Phan Quốc Tuấn - CEO Viện Phát triển nguồn nhân lực bảo hiểm cho biết: “Theo quy định của pháp luật, khi muốn đưa một sản phẩm ra thị trường, DNBH phải trình Bộ Tài chính phương pháp và cơ sở tính phí, phương pháp trích lập các quỹ tài chính liên quan. Tất cả các sản phẩm bảo hiểm trước khi đưa ra thị trường đều được kiểm duyệt chặt chẽ”. Đây được xem là những yếu tố giúp thị trường bảo hiểm phát triển theo hướng bền vững, thượng tôn pháp luật.
Dự báo năm tài khóa khả quan của nhóm doanh nghiệp FDI
Riêng đối với nhóm doanh nghiệp FDI, việc Chính phủ khuyến khích đầu tư vốn và tái đầu tư lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam đã mở lối cho dòng vốn ngoại chảy vào ngành bảo hiểm. Một số DNBH FDI đã và đang cho thấy vai trò quan trọng trong tiến trình thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc, tiệm cận các thị trường bảo hiểm phát triển trên thế giới.
Phân tích yếu tố tạo nên thành công của nhóm doanh nghiệp này, chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính) cho biết: “Các doanh nghiệp FDI không chỉ đem đến nguồn vốn đầu tư lớn mà còn mang theo các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rủi ro, công nghệ và quản trị áp dụng vào quá trình vận hành bộ máy kinh doanh. Điều này vừa giúp doanh nghiệp duy trì được nhịp tăng trưởng đều đặn trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định vừa giúp họ tạo dựng được nền tảng tài chính tăng trưởng bền vững ngay cả khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay”.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định, DNBH FDI có nhiều lợi thế cạnh tranh khi gia nhập thị trường Việt Nam. |
Điều này có thể thấy rõ trong hoạt động của Chubb Life Việt Nam – DNBH nhân thọ duy nhất tại Việt Nam có 100% vốn Hoa Kỳ, gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2005. Doanh nghiệp này đã thu về lợi nhuận sau 4 năm hoạt động và duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận bền vững trong 14 năm liên tiếp cho đến nay.
Hoạt động kinh doanh tuân thủ pháp luật Việt Nam cùng sự hậu thuẫn hiệu quả từ tập đoàn mẹ đã giúp Chubb Life đạt mốc vốn chủ sở hữu trên 5.170 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 21% so với năm trước và gấp 6,4 lần vốn pháp định. Lợi nhuận trước thuế năm 2022 của doanh nghiệp này cũng tăng hơn 17%, cán mốc 1.150 tỷ đồng. Cùng với việc luôn duy trì biên khả năng thanh toán ở mức rất cao (gấp 2,3 lần so với yêu cầu luật định Việt Nam), Chubb Life cũng đồng thời đóng góp vào Ngân sách Nhà nước thông qua thuế và các khoản khác trên 287 tỷ đồng trong năm 2022.
Nền tảng tài chính vững chắc đã giúp Chubb Life luôn bảo đảm an toàn trong mọi hoạt động kinh doanh, đầu tư. |
Chia sẻ về sự tăng trưởng bền vững này, ông Nguyễn Hồng Sơn - Tổng Giám đốc Chubb Life Việt Nam cho biết: “Chubb Life luôn nhận được sự hậu thuẫn từ Chubb - Tập đoàn bảo hiểm tài sản và trách nhiệm lớn nhất thế giới đến từ Hoa Kỳ, đồng thời luôn bảo đảm tuân thủ pháp luật Việt Nam. Việc Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách đã tạo điều kiện thuận lợi cho Chubb Life kinh doanh theo hướng bền vững, hoạt động đầu tư an toàn. Nguồn lợi nhuận tăng trưởng đều đặn theo năm bảo đảm dòng tiền cho Chubb Life thực hiện đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ với khách hàng cũng như nghĩa vụ tài chính với Nhà nước”.
Lấy thí dụ từ câu chuyện kinh doanh của Chubb Life để thấy rằng, các DNBH FDI không chỉ đóng góp tích cực vào nền kinh tế-xã hội, mà còn khẳng định vai trò luôn là điểm tựa vững chắc của khách hàng trong mọi bối cảnh thị trường. Với nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo điều kiện thuận lợi nhất để DNBH FDI đầu tư thành công và phát triển bền vững tại Việt Nam, mục tiêu tăng trưởng bình quân 10% (giai đoạn 2026-2030), 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ (năm 2025)… không phải là những con số quá xa vời với quá trình phát triển của ngành bảo hiểm như hiện nay.