Ngành giáo dục Đăk Hà đẩy mạnh chuyển đổi số

Thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, ngành giáo dục và đào tạo huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp linh hoạt, sát với điều kiện thực tiễn. Qua đó, triển khai có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy và học tập, góp phần nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục và đào tạo.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Trường tiểu học và trung học cơ sở xã Đăk Ngọk sử dụng máy tính bảng phục vụ học tập.
Học sinh Trường tiểu học và trung học cơ sở xã Đăk Ngọk sử dụng máy tính bảng phục vụ học tập.

Năm học 2022-2023, huyện Đăk Hà có 41 trường học với 737 phòng học kiên cố và bán kiên cố, đáp ứng yêu cầu học tập của hơn 22.000 học sinh. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu chuyển đổi số, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, trong năm học 2023-2024, huyện Đăk Hà đã ưu tiên phân bổ ngân sách hơn 27 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng chương trình, kế hoạch năm học. Đến nay, 100% số cơ sở giáo dục có kết nối internet, tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh truy cập khai thác dữ liệu, học liệu… sử dụng các phần mềm hỗ trợ dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong sinh hoạt chuyên môn và hỗ trợ quá trình trao đổi thông tin đa chiều giữa giáo viên-phụ huynh-học sinh.

Ứng dụng công nghệ thông tin đến các trường học

Năm học 2023-2024, Trường tiểu học và trung học cơ sở xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà có 667 học sinh, trong đó, cấp tiểu học có 371 học sinh, cấp trung học cơ sở có 296 học sinh tham gia học tập tại ba điểm trường. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học mới, nhà trường đã cử đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tham gia tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng bảo đảm yêu cầu giảng dạy. Bên cạnh đó, từ ngân sách nhà nước và các nguồn xã hội hóa, nhà trường đã đầu tư nâng cấp 26 phòng học, 2 phòng tin học, 2 phòng khoa học tự nhiên và lắp đặt internet, bảo đảm 100% số phòng học có thể kết nối internet phục vụ nhu cầu truy cập của thầy cô giáo và học sinh.

Thầy giáo Nguyễn Trọng Uy, Hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở xã Đăk Ngọk chia sẻ: “Nhà trường được đầu tư hai phòng máy tính cho cấp trung học cơ sở và cấp tiểu học. Hệ thống đường truyền kết nối internet đã kết nối đến tất cả các điểm trường. Đồng thời, chúng tôi cũng chú trọng phát huy hiệu quả chương trình “Sóng và máy tính cho em” để trang bị cho 100% số học sinh dân tộc thiểu số có thể tiếp cận và học tập môn Tin học theo chương trình giáo dục phổ thông mới”.

Điểm trường tiểu học thôn Đăk Kơ Đêm, xã Đăk Ngọk có 100% số học sinh người dân tộc thiểu số. Năm học mới này là năm đầu tiên các em học sinh được tiếp cận và học môn Tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đôi tay nhỏ thoăn thoát rà trên từng biểu tượng, đôi mắt đen nhánh nhanh nhẹn quan sát sự thay đổi của các công thức toán học trên chiếc máy tính bảng được cấp từ chương trình “Sóng và máy tính cho em”, em Lang Thị Bạch Khả Hân, dân tộc Thái, là học sinh lớp 4C phấn khởi cho biết: “Em được các thầy cô hướng dẫn tìm hiểu thêm được rất nhiều kiến thức bổ ích so với trên sách như trước kia. Chúng em cũng được trao đổi với nhau, giúp cho những tiết học trở nên sinh động. Từ đó chúng em mong muốn được đến trường nhiều hơn”.

Với sự quan tâm, đầu tư hoàn thiện cơ sở trang thiết bị giáo dục đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới, không chỉ học sinh ở vùng thuận lợi, mà các em học sinh dân tộc thiểu số tại các xã thuộc vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa cũng được làm quen, nắm bắt các thao tác cơ bản sử dụng máy tính bảng để tìm hiểu, khai thác thông tin trên internet, phục vụ việc học tập. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của máy tính, việc chuyển tải kiến thức, trao đổi thông tin giữa giáo viên và học sinh cũng trở nên thuận tiện hơn.

“Ở điểm trường này, 100% số học sinh là người dân tộc thiểu số. Khi triển khai áp dụng công nghệ thông tin thì các em tham gia rất tích cực. Sự kết nối giữa giáo viên với học sinh giúp các tiết học trở nên sống động hơn. Mặt khác, sự kết nối giữa giáo viên với cha mẹ học sinh cũng giúp định hướng cho các em tìm hiểu, nghiên cứu thông tin ở những trang chính thống, từ đó bổ trợ kiến thức cho các em rất nhiều”, cô Nguyễn Thị Phượng, giáo viên điểm trường thôn Đăk Kơ Đêm cho biết.

Xây dựng các mô hình giúp học sinh phát triển năng khiếu, sở thích

Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, các đơn vị trường học đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; tạo điều kiện để giáo viên đưa nội dung phổ cập kỹ năng số và an toàn, an ninh mạng, các nền tảng mở… vào chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học; triển khai mô hình giáo dục tích hợp khoa học-công nghệ-kỹ thuật-toán học và nghệ thuật (giáo dục STEM/STEAM) cho các cấp học, phát triển tư duy lập trình, triển khai các chương trình về khoa học máy tính phù hợp.

Câu lạc bộ Phát triển kỹ năng số học sinh huyện Đăk Hà là mô hình điểm đầu tiên của ngành giáo dục và đào tạo huyện, nhằm hướng đến mục tiêu đưa các nền tảng công nghệ số và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động học tập, phát huy được năng lực sở trường của các em học sinh có niềm đam mê với công nghệ thông tin. Với sự hướng dẫn của các thầy cô giáo và Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ, các em có điều kiện được tham gia nhiều diễn đàn trao đổi, thảo luận, tìm hiểu và chia sẻ kỹ năng tìm kiếm thông tin, sử dụng internet, mạng xã hội an toàn; khai thác, sử dụng những phần mềm ứng dụng phục vụ học tập; tạo ra nhiều sản phẩm dựa trên các kiến thức, kỹ năng có được. Đồng thời, Câu lạc bộ là sân chơi giúp các em có cơ hội được bộc lộ khả năng, năng khiếu, hình thành và nuôi dưỡng niềm yêu thích đối với môn Tin học và công nghệ thông tin.

Em Nguyễn Thị Tuệ Mẫn, học sinh Trường tiểu học và trung học cơ sở xã Đăk Ngọk, là thành viên Câu lạc bộ Phát triển kỹ năng số học sinh huyện Đăk Hà cho biết: Khi tham gia câu lạc bộ, chúng em đã được bồi dưỡng rất nhiều kiến thức và kỹ năng về sử dụng, khai thác thông tin mạng an toàn. Thông qua các hoạt động giao lưu, sinh hoạt chuyên đề được tổ chức hằng tháng, các em được học hỏi thêm nhiều kiến thức bổ ích, được rèn luyện kỹ năng thuyết trình; làm quen với các phần mềm để có thể tạo ra các sản phẩm trình chiếu video, thiết kế poster, logo… Qua đó, tạo cho chúng em thói quen ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập và giao tiếp cũng như phát huy được năng khiếu của bản thân.

Năm học 2023-2024, toàn huyện Đăk Hà có 27/41 trường học chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 65,85%. Các cơ sở giáo dục cơ bản đã bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu để thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6 và lớp 7. Đến nay, 100% số cơ sở giáo dục có kết nối internet, tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh truy cập khai thác dữ liệu, học liệu; sử dụng các phần mềm hỗ trợ dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong sinh hoạt chuyên môn và kiểm tra, đánh giá học sinh. 100% số cơ sở giáo dục đưa nội dung phổ cập kỹ năng số và an toàn, an ninh mạng, các nền tảng mở… vào chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học để hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số.

“Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum, sự hướng dẫn về chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo và sự đồng thuận của toàn xã hội, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo huyện tiếp tục triển khai những giải pháp đồng bộ, linh hoạt. Qua đó, khẳng định được vai trò của ngành giáo dục và đào tạo trong việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; thực hiện thắng lợi Chương trình chuyển đổi số quốc gia mà Đảng, Nhà nước đã xác định”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà Phạm Thị Thương, khẳng định ■