Theo ThS Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, đến nay, hội có mạng lưới ở 60/63 tỉnh/thành phố, hơn 800 chi hội trực thuộc các tỉnh/thành hội và ba Chi hội chuyên khoa TƯ, với hơn 120 ngàn hội viên.
Hội Điều dưỡng Việt Nam đã tạo dấu ấn bởi những nỗ lực tiên phong trong vận động chính sách nghề nghiệp, bảo vệ quyền lợi hội viên, thực hiện vai trò xúc tác cho quá trình đổi mới nghề điều dưỡng ở Việt Nam. Hội đã thực hiện hàng loạt các can thiệp đặt nền móng cho lĩnh vực nghiên cứu phát triển.
Để nâng cao y đức và phong cách phục vụ cho hội viên, hội đã tăng cường kỹ năng giao tiếp ứng xử thân thiện với người bệnh. Hưởng ứng chủ trương của Bộ Y tế, hội tích cực triển khai thực hiện Chuẩn đạo đức nghề nghiệp điều dưỡng viên do Hội Điều dưỡng Việt Nam ban hành.
Đại dịch Covid-19 giúp chúng ta nhìn nhận sâu sắc hơn về sự đóng góp của ĐD-HS, với vai trò là những chiến sĩ tuyến đầu. Hàng ngàn điều dưỡng của Việt Nam đã can đảm và chuyên nghiệp đối phó với dịch bệnh nguy hiểm. Họ đã vượt lên những nguy cơ của dịch bệnh, dấn thân vào nơi nguy hiểm, phối hợp với các thầy thuốc, thực hiện hàng loạt các hoạt động như: sàng lọc người bệnh, tổ chức cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, theo dõi, chăm sóc và là chỗ dựa về tinh thần cho bệnh nhân Covid-19.
Tại Việt Nam, mạng lưới điều dưỡng và nữ hộ sinh đã được thiết lập rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Mỗi năm có khoảng trên 1,5 triệu trẻ em được sinh ra, dân số khu vực thành thị chiếm khoảng 35%, nông thôn khoảng 65%. Điều đó cho thấy, nhu cầu và vai trò rất to lớn của đội ngũ điều dưỡng và nữ hộ sinh trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc cho bà mẹ và trẻ em ngày càng cao.
Theo ông Phạm Đức Mục, điều quan trọng nhất hiện nay là đổi mới nhận thức nghề điều dưỡng làm cơ sở cho việc đổi mới đào tạo, mở rộng phạm vi thực hành và đổi mới chính sách nhằm phát huy tiềm năng to lớn của đội ngũ điều dưỡng và người bệnh được thụ hưởng chăm sóc tốt nhất của điều dưỡng.
Phát biểu chúc mừng kỷ niệm 30 năm thành lập hội, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói, mặc dù, có nhiều khó khăn hạn chế về nguồn lực song Ban Lãnh đạo hội đã có nhiều nỗ lực sáng tạo, đã xây dựng được mạng lưới của hội vừa phủ sóng rộng toàn quốc vừa lan tỏa tới các trung tâm y tế quận huyện và các bệnh viện.
Hiện nay, các chính sách phát triển chuyên ngành điều dưỡng còn thiếu và chưa đồng bộ. Chưa kết nối hiệu quả giữa đào tạo và sử dụng. Tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ còn thấp và tỷ lệ điều dưỡng/10 ngàn dân mới đạt dưới 50% so với Nghị quyết số 20/NQ-TƯ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Theo đó, ngành y tế đặt chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 25 điều dưỡng/vạn dân và đến 2030 có 33 điều dưỡng/vạn dân.
“Đã đến lúc y tế Việt Nam cần đổi mới một cách căn bản và toàn diện về công tác điều dưỡng chăm sóc người bệnh. Tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phát huy vai trò của Hội Điều dưỡng Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam trong việc phối hợp xây dựng các chính sách phát triển chuyên ngành điều dưỡng theo khuyến cáo của WHO bao gồm: Tăng cường hệ thống đào tạo điều dưỡng theo chuẩn khu vực ASEAN; Phát triển nguồn nhân lực điều dưỡng cả về số lượng và chất lượng; Tăng cường sự tham gia của điều dưỡng - hộ sinh vào quá trình hoạch định và xây dựng chính sách y tế”, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định.
Những đóng góp của hội vào sự phát triển chuyên ngành điều dưỡng đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động Hạng 3; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc; Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam tặng Bằng khen và hàng ngàn hội viên đã được tặng bằng khen về thành tích chăm sóc người bệnh, thành tích phòng chống đại dịch Covid -19 và thành tích công tác hội.