Bên cạnh việc đem lại những lợi ích kinh tế, xã hội, thì ngành dệt may tác động lớn đến môi trường do sử dụng nhiều tài nguyên nước, xả các chất gây ô nhiễm, sử dụng nhiều năng lượng như điện, than, dầu…
Việc "xanh hóa" ngành dệt may, cải tiến công nghệ sản xuất theo hướng xanh, sạch, giảm thiểu sử dụng năng lượng là đòi hỏi tất yếu.
Do đó, thành phố Hà Nội tổ chức Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành dệt may-thời trang nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, hướng tới phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế xanh của Thủ đô.
Chương trình gồm nhiều hoạt động như: trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm dệt may, thời trang của các nhà cung ứng; Kết nối kinh doanh, liên kết hợp tác sản xuất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, phát triển bền vững và ổn định.
Chương trình đã tổ chức sáu khu trưng bày của các làng nghề trên địa bàn Hà Nội gồm làng lụa Vạn Phúc-Hà Đông; làng nghề may Vân Từ-Phú Xuyên; các làng thêu, may huyện Thường Tín; Công ty Dâu tằm tơ Mỹ Đức và Khu trưng bày công nghiệp dệt may Hà Nội.
Các doanh nghiệp dệt may giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng. |
Theo Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, việc tổ chức sự kiện Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành dệt may-thời trang cho thấy thành phố Hà Nội rất quan tâm đến phát triển sản phẩm làng nghề nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng.
Thông qua chương trình này, các doanh nghiệp trong ngành dệt-may có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc, hợp tác, liên kết với nhau tạo nên chuỗi cung ứng bền vững. Đồng thời, nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu và xu hướng của thị trường để phát triển sản phẩm trong thời gian tới.
Ngoài các khu trưng bày trung tâm, sự kiện còn thu hút 30 gian hàng tiêu chuẩn đến từ các doanh nghiệp dệt may, thời trang của các nhà cung ứng trong và ngoài địa bàn thành phố.
Sự kiện sẽ diễn ra đến hết ngày 23/7/2023.