Đóng vai trò trung gian tài chính, các ngân hàng và tổ chức tài chính cũng đang bắt tay áp dụng, thực hành ESG.
Xu thế không thể đảo ngược
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến nay, hơn 80% số ngân hàng đã áp dụng một phần hoặc toàn bộ ESG trong hoạt động. Gần 50% ngân hàng thành lập bộ phận quản trị rủi ro cho vay vốn tín dụng bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, đến hết quý I/2024, có 47 tổ chức phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 636.964 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của hệ thống tổ chức tín dụng tăng trưởng đều qua các năm, đến nay đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Không chỉ Việt Nam, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã dần nhận thức việc “chuyển đổi xanh” như một xu thế tất yếu. Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Võ Trí Thành, chuyển đổi xanh là mệnh lệnh chính trị không thể chối từ. Đây không chỉ là cam kết chính trị mạnh mẽ của quốc gia, mà còn là mệnh lệnh từ chính thị trường, người tiêu dùng yêu cầu xanh hơn, an toàn hơn; từ chính yêu cầu của các nước phát triển; từ tài chính, không xanh không cho vay. “Khoảng 80% lượng vốn tài chính đòi hỏi ESG mới cấp vốn. Với doanh nghiệp, không chỉ là tồn tại hay không tồn tại, mà còn nắm bắt được nhiều cơ hội mới khi phát triển xanh”, Tiến sĩ Võ Trí Thành nhìn nhận.
Nghiên cứu mới đây của Tổ chức DARA International cũng chỉ ra, Việt Nam là quốc gia có thể chịu tổn thất khoảng 15 tỷ USD/năm do biến đổi khí hậu, tương đương khoảng 5% GDP. Vì vậy, với vai trò trung gian tài chính, cung ứng vốn cho nền kinh tế, ngày càng nhiều ngân hàng và các tổ chức tài chính tại Việt Nam áp dụng ESG vào hoạt động thực tiễn để hướng tới thông điệp chung tay vì sự phát triển bền vững. Phó Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Phạm Thị Thanh Tùng cho biết, hầu hết các tổ chức tín dụng đã tích hợp quản lý rủi ro môi trường vào quy trình cấp tín dụng và quản lý rủi ro hiện hành, có 35 tổ chức tín dụng đã ban hành Quy định quản lý rủi ro môi trường riêng biệt.
Các tổ chức tín dụng ngày càng quan tâm phát triển bộ phận quản lý rủi ro môi trường. Một số tổ chức tín dụng, bộ phận quản lý rủi ro môi trường xã hội có thể tham gia vào quá trình tái thẩm định đối với các khoản vay của dự án có rủi ro môi trường ở mức trung bình và cao. Tiến sĩ Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Chiến lược ngân hàng cho biết, hằng năm, Viện đều thực hiện kiểm tra các tổ chức tín dụng về tiến độ triển khai ESG. “Các tiêu chí, bộ tiêu chuẩn áp dụng ESG gồm rất nhiều khía cạnh, tiêu chí và con số tính toán. Theo tôi được biết, hầu hết các ngân hàng không tự triển khai ESG được, thay vào đó phải thuê nhà tư vấn thực hiện khảo sát và hỗ trợ đưa ra lộ trình cũng như tư vấn cụ thể các tiêu chí. Có những ngân hàng, riêng gói tư vấn áp dụng ESG lên tới hàng triệu USD”, Tiến sĩ Phạm Minh Tú chia sẻ.
Nhiều nút thắt cần tháo gỡ
Là xu thế không thể đảo ngược, nhưng trên thực tế, việc thực hành ESG đang gặp rất nhiều khó khăn, cản trở. Sớm nhận thức tầm quan trọng của việc triển khai ESG, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngân hàng xanh, hoạt động tín dụng xanh và phát triển bền vững. Đơn cử, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định số 1604/QĐ-NHNN phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam và gần đây là Thông tư số 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Mặc dù vậy, theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, khung pháp lý liên quan đến vấn đề này vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành/lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm cơ sở cho tổ chức tín dụng xác định, thống kê đầy đủ nguồn lực tín dụng xanh,... Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu quy định và hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan quản lý chuyên ngành về ESG. Sự mới mẻ về khái niệm ESG là nhân tố khiến công tác quản trị ESG gặp nhiều khó khăn đối với cả khách hàng là doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng.
Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả thực hành ESG trong hoạt động ngân hàng, đòi hỏi phải có sự hợp tác và thiện chí từ cả ngân hàng và khách hàng doanh nghiệp. Tuy nhiên, năng lực quản trị và tầm nhìn chiến lược về ESG của các doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ) là rào cản lớn, khiến cho quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh bền vững và thực hành ESG tại Việt Nam gặp nhiều vướng mắc, từ đó tác động đến hiệu quả hoạt động cấp tín dụng, quản lý rủi ro của tổ chức tín dụng.
Giám đốc Trường đào tạo cán bộ, Phó Trưởng ban chỉ đạo ESG Agribank Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, tín dụng xanh tại Agribank đã có mức tăng trưởng tới 350% so với năm 2018. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng bị chậm lại, không được như mong muốn do nhiều nguyên nhân. Trong đó, tiêu chí cho vay xanh và danh mục xanh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường chưa được ban hành; việc lựa chọn khách hàng “xanh” cũng gặp khó khăn, vướng mắc. Do đó, Agribank đề xuất Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành danh mục tín dụng xanh, tiêu chí xanh để doanh nghiệp và các ngân hàng dễ dàng lựa chọn các dự án cũng như các doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp, ngân hàng triển khai ESG.
“Nguồn vốn hiện nay cho vay xanh của ngân hàng là nguồn vốn thương mại thông thường, huy động từ dân cư và không có nguồn vốn tài trợ nào từ các tổ chức quốc tế hay Chính phủ để cho vay hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đây cũng là khó khăn đối với các tổ chức cho vay”, bà Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ. Bên cạnh đó, trình độ của cán bộ tín dụng trong lĩnh vực xanh còn hạn chế cũng như hoạt động đo lường, đánh giá một số yếu tố của bộ tiêu chí ESG như tín chỉ các-bon, tiết kiệm năng lượng điện, nước,... rất khó triển khai với mạng lưới khách hàng lớn như Argibank.
Để thúc đẩy hơn nữa thực hành ESG trong ngành ngân hàng, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tăng cường quản lý rủi ro môi trường, xã hội và rủi ro khí hậu trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng; hướng dẫn các tổ chức tín dụng cấp tín dụng xanh, báo cáo thống kê hoạt động tín dụng đối với danh mục phân loại xanh quốc gia. “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn lực để tài trợ vốn cho các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh, các dự án thân thiện với môi trường, các dự án mô hình kinh tế,... góp phần thực hiện yêu cầu về đổi mới mô hình tăng trưởng quốc gia, phát thải thấp”, Phó Vụ trưởng Phạm Thị Thanh Tùng nhấn mạnh ■