Ngân hàng Thế giới: Chi phí vốn vay tăng đe dọa các nước đang phát triển

NDO -

NDĐT - Ngày 11-6, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu, trong đó cảnh báo các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) đang đối mặt với một loạt các thách thức nghiêm trọng trong năm 2015 như chi phí vốn vay sẽ tăng, trong khi giá dầu và giá hàng hóa sắp bước vào một đợt suy giảm mới và làm cho năm nay trở thành năm thứ tư liên tiếp đáng thất vọng về tăng trưởng kinh tế.

FED tăng lãi suất sẽ làm tăng giá vốn vay tại các nước đang phát triển như Việt Nam.
FED tăng lãi suất sẽ làm tăng giá vốn vay tại các nước đang phát triển như Việt Nam.

Hệ quả là các nước đang phát triển dự báo sẽ tăng trưởng 4,4% năm nay, có khả năng tăng lên 5,2% năm 2016 và 5,4% năm 2017. Các nước thu nhập cao sẽ tăng trưởng 2% năm nay, sau đó tăng lên 2,4% năm 2016 và 2,2% năm 2017. Dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng 2,8% năm nay, 3,3% năm 2016 và 3,2% năm 2017. WB cũng dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2015, sau đó tăng tốc lên 6,2% trong năm 2016 và 6,5% vào năm 2017.

“Các nước đang phát triển từng là cỗ máy thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu sau thời kỳ khủng hoảng, nhưng nay đang phải đối mặt với một môi trường kinh tế khó khăn hơn”, ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới nói. “Chúng tôi sẽ làm mọi việc để giúp đỡ các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình, giúp họ có được sức đề kháng tốt hơn để có thể kiểm soát quá trình chuyển đổi một cách an toàn nhất có thể. Chúng tôi tin rằng những nước đầu tư vào giáo dục, y tế, cải thiện môi trường kinh doanh và tạo việc làm thông qua nâng cấp hạ tầng sẽ tăng trưởng mạnh trong các năm tới. Các khoản đầu tư đó sẽ giúp hàng trăm triệu người tự mình vượt qua đói nghèo”.

Báo cáo giải thích, lãi suất tại Hoa Kỳ dự đoán sẽ tăng làm cho vốn vay càng trở nên đắt đỏ hơn đối với các nước mới nổi và các nước đang phát triển trong vài tháng tới. “Nếu các thị trường mới nổi không thực hiện các chính sách cẩn trọng nhằm đối phó tốt với bất ổn tài chính và bất ổn từ bên ngoài thì họ sẽ gặp khó khăn đáng kể khi phải đối phó với cơn bão thắt chặt chính sách của Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ và các hệ quả đi kèm khác,” ông Ayhan Kose, Giám đốc Viễn cảnh Phát triển, Ngân hàng Thế giới, nói.

Nhiều nước đang phát triển phụ thuộc nặng vào xuất khẩu hàng hóa, vì vậy giảm giá dầu và các mặt hàng chiến lược càng làm chậm lại tốc độ tăng trưởng của các nước này. Tuy các nước nhập hàng hóa được hưởng lợi từ lạm phát thấp, áp lực tài khóa thấp, và chi phí nhập khẩu thấp, nhưng giá dầu thấp cũng chỉ góp phần tăng cường mức độ hoạt động kinh tế một cách chậm chạp do nhiều nước bị thiếu điện, dịch vụ giao thông, tưới tiêu và các dịch vụ hạ tầng cơ bản khác một cách triền miên; ngoài ra còn một loạt các yếu tố khác như bất ổn chính trị; và hạn hán và lũ lụt gây ra bởi thời tiết không thuận lợi.