Nằm biệt lập ngoài khơi giữa Na Uy và Bắc Cực, Svalbard là kho dự trữ toàn cầu cho các ngân hàng hạt giống khắp nơi trên thế giới. Được xây dựng với mục tiêu bảo vệ đa dạng sinh học cây trồng, kho này chỉ được mở vài lần trong năm để hạn chế sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Đầu tuần này, các ngân hàng gene từ Sudan, Uganda, New Zealand, Đức và Lebanon sẽ gửi các mẫu hạt giống đến Svalbard, bao gồm kê, cao lương và lúa mì, nhằm dự phòng nguồn gene cây trồng cho các quốc gia trên.
Trong đó, Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế cho các vùng khô hạn (ICARDA) sẽ gửi khoảng 8.000 mẫu hạt giống. Trước đó, ICARDA đã phải lần đầu tiên “rút vốn” hạt giống từ kho vào năm 2015 để thay thế 1 bộ gene hạt giống bị hư hại trong xung đột ở Syria.
Trung tâm này cũng đã buộc phải chuyển trụ sở chính từ Aleppo (Syria) đến Beirut (Lebanon) vào năm 2012 cũng bởi tác động từ cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria. ICARDA sau đó còn tiếp tục tiến hành thêm 2 lần thu hồi hạt giống từ kho dự trữ khẩn cấp Svalbard vào năm 2017 và 2019 để tiếp tục các công trình nghiên cứu quan trọng tại Lebanon và Morocco.
Bộ trưởng Phát triển quốc tế Na Uy, bà Anne Beathe Tvinnereim cho biết, việc ngân hàng hạt giống bị phá hủy ở Syria trong cuộc nội chiến được xây dựng lại một cách có hệ thống cho thấy kho dự trữ Svalbard có chức năng như một “quỹ bảo hiểm” cho nguồn cung cấp lương thực hiện tại và cả tương lai, cũng như đóng vai trò quan trọng cho việc bảo đảm an ninh lương thực tại địa phương.
Được biết đến như là 1 “kho chứa ngày tận thế”, ngân hàng hạt giống Svalbard chứa hơn 1,1 triệu mẫu hạt giống của gần 6.000 loài thực vật gửi từ 89 ngân hàng hạt giống trên toàn cầu. Ngay cả khi nguồn điện bị hư hỏng, kho chứa sẽ được đông lạnh và niêm phong trong ít nhất 200 năm.
Thành lập năm 2008 nhằm bảo quản hạt giống cây trồng trên thế giới khỏi bị tàn phá bởi chiến tranh, dịch bệnh và các thảm họa khác, đây đồng thời cũng là kho dự phòng nguồn gene cho các nhà chọn tạo giống để phát triển các giống cây trồng mới.
Thế giới từng trồng hơn 6.000 loại cây khác nhau nhưng các chuyên gia của Liên hợp quốc cho biết, hiện nguồn cung lương thực của nhân loại phụ thuộc tới 40% vào 3 loại cây trồng chính là ngô, lúa mì và gạo, dẫn đến nguồn cung lương thực dễ bị tổn thương nếu mùa màng thất bát do tác động của biến đổi khí hậu.