Cùng suy ngẫm:

Ngăn chặn nhập lậu gia súc qua biên giới

Thời gian gần đây, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò qua biên giới các tỉnh miền trung và miền nam vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp, nhất là tại các địa bàn biên giới với Lào, Campuchia, làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục... dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước, công tác phòng, chống dịch và sức khỏe người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Tang vật 1.200kg lợn thương phẩm nhập lậu bị Đồn Biên phòng Bắc Sơn bắt giữ. (Nguồn: Báo Biên phòng)
Ảnh minh họa: Tang vật 1.200kg lợn thương phẩm nhập lậu bị Đồn Biên phòng Bắc Sơn bắt giữ. (Nguồn: Báo Biên phòng)

Đặc biệt, vừa qua một số phương tiện truyền thông phản ánh về tình trạng thịt bò nhập lậu có dư lượng chất cấm cao hơn mức cho phép hàng chục lần, khiến người tiêu dùng hết sức lo ngại.

Từ thực tế trên, dư luận không thể không đặt câu hỏi: Liệu có "lỗ hổng" để các đàn trâu, bò nhập lậu từ nước ngoài vào, chưa qua kiểm tra, kiểm dịch, tiêu trùng, khử độc mà vẫn vượt qua hàng trăm ki-lô-mét, từ các tỉnh biên giới về các lò mổ ở Hà Nội và các địa phương khác mà không bị phát hiện, kiểm tra?

Các cơ quan chức năng, liên ngành đã làm tốt trách nhiệm của mình hay chưa, nhất là trong thời điểm cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán 2023, nhu cầu người dân sử dụng thực phẩm, động vật tươi sống tăng cao, tình trạng thu mua động vật, thực phẩm trôi nổi trên thị trường còn nhiều, tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm không phép, trái phép có xu hướng gia tăng?

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm soát vận chuyển trâu, bò qua biên giới. Các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp kiểm soát buôn bán, vận chuyển trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò vào Việt Nam theo đúng quy định của Luật Thú y; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò vào Việt Nam; trường hợp bắt được các lô hàng trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy theo quy định, bảo đảm sớm chấm dứt tình trạng này.

Lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán trái phép trâu, bò vào nước ta. Các cơ quan chức năng của địa phương thành lập các chuyên án, điều tra, đấu tranh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò vào Việt Nam.

Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra tình trạng buôn bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò; triển khai giám sát dịch bệnh động vật, sử dụng chất cấm trên trâu, bò nhập khẩu và nghi nhập lậu trái phép vào nước ta; trong đó chú trọng kiểm tra lâm sàng, tổ chức lấy mẫu nước tiểu để kiểm tra nhanh việc sử dụng chất cấm đối với trâu, bò nhập khẩu.

Trường hợp kiểm tra nhanh mẫu nước tiểu cho kết quả nghi ngờ hoặc dương tính, phải dừng ngay việc giết mổ và gửi mẫu đến phòng thử nghiệm để xét nghiệm khẳng định, làm căn cứ xử lý theo quy định; tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường. Các địa phương cần ngăn chặn triệt để tình trạng nhập lậu trâu, bò nói riêng, các loại gia súc, gia cầm nói chung qua biên giới.