Ngăn chặn dịch bệnh phát sinh trong mùa mưa, bão

Thành phố Hồ Chí Minh đang trong mùa mưa. Mưa lớn kéo dài gây ra tình trạng ngập nước, tác động không tốt đến cuộc sống của con người. Cùng với đó, việc nước ngập nhiều ngày còn là môi trường thuận lợi để nhiều dịch bệnh phát sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, nhất là trẻ em.
0:00 / 0:00
0:00
Các đơn vị ra quân dọn vệ sinh môi trường trên địa bàn Quận 8.
Các đơn vị ra quân dọn vệ sinh môi trường trên địa bàn Quận 8.

Mới đây, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, qua kết quả giải trình tự gien các mẫu bệnh phẩm có tải lượng vi-rút phù hợp đã xác định Coxsackievirus A24 là tác nhân gây ra đợt bùng phát đau mắt đỏ tại thành phố trong thời gian qua. Việc xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ sẽ giúp cho người bệnh có cách phòng ngừa, điều trị thích hợp. Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn, vi-rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt.

Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh. Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, nhưng bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động; có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này.

Thành phố đang trong mùa mưa, việc mưa xuất hiện nhiều sẽ gây ngập nước, dễ bị ô nhiễm, chính vì thế, nếu chúng ta không cẩn thận, chăm sóc tốt bản thân thì sẽ mắc phải nhiều bệnh. Ngoài bệnh đau mắt đỏ, các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, cảm cúm, bệnh da liễu, bệnh đường tiêu hóa,… thường trở thành những mối đe dọa đến sức khỏe con người trong mùa mưa bão.

Vì vậy, nếu mỗi gia đình biết cách phòng chống dịch bệnh sẽ hạn chế việc mắc phải các bệnh truyền nhiễm trong mùa mưa. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, để phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ do vi-rút cần: Thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang… Rửa tay thường xuyên với xà-phòng là biện pháp đơn giản nhưng phòng bệnh khá hiệu quả.

Mưa nhiều gây ra độ ẩm cao, tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi-rút phát triển và gây bệnh. Khi vô tình tiếp xúc với những đồ vật có chứa vi khuẩn, vi-rút gây bệnh, hệ thống miễn dịch của bạn sẽ gặp nguy hiểm. Vì vậy, người dân thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng và nước sạch, nhất là trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh để hạn chế sự xâm nhập của mầm bệnh vào cơ thể. Ngoài ra, chúng ta cũng hạn chế dùng tay chạm vào mắt, mũi, miệng vì nếu giữ thói quen này, vi khuẩn, vi-rút gây bệnh có thể xâm nhập vào cơ thể con người thông qua mắt, mũi, miệng.

Bên cạnh đó, việc ăn chín, uống chín, sẽ giúp người dân bảo vệ được sức khỏe của mình. Thực phẩm bày bán ở vỉa hè hoặc những nơi không bảo đảm vệ sinh có thể tiếp xúc với các mầm bệnh trong không khí và nước. Để bảo đảm an toàn, người dân nên lựa chọn những thực phẩm tươi, sạch, có nguồn gốc rõ ràng, hoặc có thể tự chế biến để bảo đảm bữa ăn an toàn với nguyên tắc ăn chín, uống chín.

Theo các chuyên gia y tế, để giữ gìn sức khỏe trong mùa mưa, mỗi gia đình, mỗi người dân cần tăng cường bổ sung vitamin cho cơ thể, uống đủ nước, phòng chống muỗi, côn trùng đốt và tăng cường rèn luyện thể chất. Chúng ta cũng nên tránh vùng ngập nước vì nước bẩn đọng lại sau mưa bão chính là nơi ẩn chứa nhiều dịch bệnh.