Trong bộ sưu tập có những bức tranh thuần Việt như vẽ tứ bình với lúa, ngô, gà, vịt, các loại quả nhiệt đới như na, chuối…, hay vẽ thiếu nữ tân thời.
Tranh tứ bình vốn là loại tranh trang trí quen thuộc, cho đến bây giờ vẫn được chọn treo trong nhiều gia đình, với xu hướng trang trí hoài cổ, chuộng vẻ đẹp xưa cũ. Theo ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật, tranh tứ bình là bộ tranh gồm bốn bức, thường có hàm ý ẩn dụ cho bốn giai đoạn trong một năm, hoặc một cuộc đời, hoặc 4 giai thoại trong một câu chuyện, hoặc 4 vẻ đẹp khác nhau của các cô gái, hoặc cảnh vật thiên nhiên… Trên tranh thường đề những câu thơ chữ Hán hoặc chữ Nôm, là những lời chúc phúc và mong muốn bình an phú quý. Chính vì thế, tranh tứ bình từ lâu đã được cha ông ta ưa thích treo trang trí trong nhà để đón xuân hoặc thờ phụng, tùy theo nội dung của mỗi bộ tranh.
Thông qua nội dung của các bộ tranh tứ bình, hậu thế ngày nay cũng có thể hiểu được phần nào quan niệm về thời gian và lối sống sinh hoạt của người dân xa xưa. Thời gian ở đây không phân định theo tuyến tính mà có tính luân hồi, sự vật hữu sinh hữu diệt và tiếp nối nhau tạo nên sự đa dạng của sự sống. Điều đó thể hiện giá trị của các dòng tranh dân gian Việt Nam, đồng thời thấy được tài nghệ của các nghệ nhân xưa.
Ông Nguyễn Anh Minh cũng cho biết, mỗi bức tranh tứ bình xưa được xem như một tổng thể nghệ thuật hoàn chỉnh, hài hòa và đầy tính trữ tình. Kho tàng tranh dân gian tứ bình Việt Nam gồm nhiều thể loại: tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt, tranh lịch sử, tranh cảnh vật, tranh thờ cúng… Hầu như ở thể loại nào, tranh tứ bình cũng có chỗ đứng riêng của mình.
Tại triển lãm “Sắc xuân”, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu tới công chúng 20 bộ tranh tứ bình với các chủ đề Tứ quý, Tố nữ, Tứ dân, Bát tiên, tranh truyện và tranh lịch sử được lựa chọn từ bộ sưu tập tranh tứ bình hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng.
Tứ quý vốn là chủ đề tranh tứ bình hết sức quen thuộc và cũng khá phổ biến đối với số đông người Việt. Ở triển lãm, ngoài các mô-típ Tứ quý quen thuộc như “Tùng, cúc, trúc, mai”, “Xuân, Hạ, Thu, Đông”, người xem còn được thấy các nghệ nhân dân gian chứng tỏ sự phóng khoáng và sáng tạo của mình qua những dấu ấn riêng. Đó là bộ tranh “Xuân, Hạ, Thu, Đông” của dòng tranh Hàng Trống với những con gà, vịt bên dưới đám lúa trĩu bông, ngô sai trái, những luống khoai nước mơn mởn, cây ngô đồng vươn cao với chùm hoa đỏ rực… Cũng có hoa có trái, nhưng bộ tranh Tứ bình hết sức dân dã này đã cho thấy những nét vẽ gần gũi, quen thuộc với ruộng đồng, vụ mùa của người Việt.
Cũng là tranh tố nữ, nhưng ở triển lãm này, lần đầu tiên nhiều người sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng các thiếu nữ áo dài tân thời được thể hiện qua nét vẽ của nghệ nhân dân gian Đông Hồ. Tóc uốn quăn, môi son đỏ sẫm, váy áo mang hơi hướng Tây hóa, giày cao gót…. Các nghệ nhân dân gian đã thực sự đem đến một cái nhìn khác lạ cho tranh tứ bình.
Cũng tại triển lãm, người xem còn được thưởng lãm các bộ tranh với đề tài truyện cổ tích, hoặc truyện lịch sử. Thạch Sanh với “Đàn kêu tích tịch tình tang, Ai mang công chúa dưới hang trở về”, Quang Trung cưỡi voi ra bắc, Truyện Kiều với cuộc gặp gỡ Kim Trọng, Từ Hải…Những câu chuyện quen thuộc trong văn học cổ Việt Nam, nhiều người lần đầu được chiêm ngưỡng trên những bức tứ bình vẽ cầu kỳ.
Có mặt tại triển lãm, NSND Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam chia sẻ, đây là nét truyền thống lâu đời của cha ông ta, với hai dòng tranh nổi tiếng là Đông Hồ và Hàng Trống. Hai dòng tranh này rất phù hợp với trang trí dịp Tết, là nét đẹp về văn hóa. Những bức tranh này đều có màu sắc tươi vui, và chủ đề phong phú, hầu hết gắn bó với khát vọng mong muốn hạnh phúc, sự no ấm. Những bức tranh lịch sử, cổ tích còn mang ý nghĩa giáo dục truyền thống, với cách thể hiện rất cô đọng, toàn bộ nội dung câu chuyện chỉ vỏn vẹn trong 4 bức tranh. Tranh chỉ cần 4 bức nhưng lại mang đầy đủ thần thái, tinh thần của câu chuyện mà các nghệ nhân muốn truyền tải.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, tranh tứ bình là loại tranh trang trí mà cha ông ta đặc biệt sử dụng trong dịp Tết để trang trí nhà cửa, song hành cùng với ý nghĩa nhất định để giáo dục truyền thống, nói về ý nghĩa của cuộc đời. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, các làng tranh như Hàng Trống, Đông Hồ, Làng Sình… lại sản xuất rất nhiều tranh tứ bình để phục vụ nhu cầu trang trí nhà cửa, đồng thời cũng phục vụ nhu cầu giáo dục truyền thống, giáo dục con cái để truyền thống được tiếp tục cả trong tương lai. Tranh tứ bình có nhiều loại và thể hiện nhiều ý nghĩa khác nhau, từ 4 mùa, 4 đức tính, 4 nghề nghiệp, những vẻ đẹp khác nhau của thiên nhiên, của con người cho đến những câu chuyện lịch sử. Tranh xuất phát từ nhu cầu và cũng phù hợp với bối cảnh truyền thống trước kia.
Hiện tại, bối cảnh xã hội, thị hiếu của người dân thay đổi, vị trí của tranh tứ bình trong trang trí nhà cửa của mỗi gia đình cũng thay đổi. Các làng tranh dân gian cũng gặp nhiều khó khăn. “Đó là lý do hiện nay chúng ta đang cố gắng mang tinh thần của dòng tranh này trở lại trong xã hội đương đại, bởi vì đây là dòng tranh có rất nhiều giá trị tinh thần, ý nghĩa văn hóa”- PGS, TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
Hiểu được nguồn cội thì sẽ yêu nguồn cội. Những hoạt động đưa văn hóa dân gian trở lại đời sống đương đại như triển lãm “Sắc xuân” đang bắc những nhịp cầu nối tinh thần của văn hóa truyền thống với đời sống hiện đại. Bởi vì khi người trẻ hiểu được và yêu mến những câu chuyện mà ông bà mình kể lại qua tranh tứ bình, họ sẽ yêu văn hóa truyền thống.