Năm 2008, những người thợ mỏ ở ngoài khơi Namibia tình cờ phát hiện được kho báu bị chôn vùi, đó là một con tàu cổ của Bồ Đào Nha bị đắm có tên Bom Jesus, mất tích trên đường đến Ấn Độ năm 1533. Con tàu buôn mang theo một kho vàng bạc và các vật liệu có giá trị khác.
Nhưng đối với nhóm các nhà khảo cổ học và sinh vật học, hàng hóa quý giá nhất trên con tàu Bom Jesus là hơn 100 chiếc ngà voi – số lượng hàng khảo cổ lớn nhất về ngà voi châu Phi từng được phát hiện.
Các phân tích di truyền và hóa học cho thấy, những chiếc ngà đó từ một số đàn voi rừng khác nhau từng lang thang ở Tây Phi.
Nhà khảo cổ học Paul Lane, Đại học Cambridge, người không tham gia vào nghiên cứu đánh giá: “Cho đến nay, đây là nỗ lực chi tiết và toàn diện nhất để tìm nguồn gốc ngà voi từ khảo cổ học”.
Các kết quả nghiên cứu mới được báo cáo trên tạp chí Current Biology, cung cấp cái nhìn sâu sắc về quần thể voi châu Phi trong lịch sử và mạng lưới buôn bán ngà voi.
Nhà sinh học phân tử Alida de Flamingh, Đại học Illinois cho biết, ngà voi trên tàu Bom Jesus được bảo quản cực kỳ tốt vì đã bị mất tích trên biển gần 500 năm. “Khi con tàu bị chìm, các thỏi đồng và chì được bọc bên trên ngà voi đã đẩy ngà voi xuống đáy biển, bảo vệ ngà voi khỏi bị phân tán và xói mòn”.
“Một dòng hải lưu băng giá cũng chạy qua khu vực này của Đại Tây Dương. Dòng nước lạnh đó có lẽ đã giúp bảo tồn DNA có trong ngà”, bà de Flamingh nói.
Bà và các đồng nghiệp đã chiết xuất DNA từ 44 chiếc ngà. Vật liệu di truyền cho thấy tất cả số ngà voi đó là của voi rừng châu Phi (có tên khoa học là Loxodonta cyclotis) chứ không phải là loài voi đồng cỏ châu Phi (Loxodonta Africana).
Bằng cách so sánh DNA ngà voi của quần thể voi châu Phi trong quá khứ và hiện tại có nguồn gốc đã biết, nhóm nghiên cứu xác định rằng ngà voi trong tàu đắm thuộc về voi từ ít nhất 17 đàn khác biệt về mặt di truyền trên khắp Tây Phi. Đến nay, chỉ còn bốn đàn voi trong số đó còn tồn tại. Các đàn voi khác có thể đã chết do bị săn bắt hoặc môi trường sống bị phá hủy.
Các loại hoặc đồng vị cacbon và nitơ trong ngà đã cung cấp thêm thông tin chi tiết về nơi những con voi này sinh sống. Carbon và nitơ tích tụ trong ngà trong suốt cuộc đời của voi thông qua thức ăn và nước uống mà con vật đã hấp thụ. Số lượng tương đối của các đồng vị cacbon và nitơ khác nhau phụ thuộc vào việc một con voi đã dành phần lớn thời gian của mình trong rừng nhiệt đới hay đồng cỏ khô cằn. Các đồng vị trong ngà voi trên tàu Bom Jesus tiết lộ những con voi này sống xen kẽ giữa rừng và đồng cỏ.
Nhà khảo cổ học Ashley Coutu, Đại học Oxford cho biết: “Voi rừng châu Phi hiện đại được biết đến là loài đi lang thang trong rừng cũng như đồng cỏ. Nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng voi rừng lần đầu tiên mạo hiểm ra đồng cỏ chỉ vào thế kỷ 20, vì nhiều voi đồng cỏ đã bị xóa sổ bởi những kẻ săn trộm và môi trường sống ban đầu của voi rừng bị phá hủy bởi sự phát triển của con người. Kết quả mới cho thấy voi rừng châu Phi có thể sống được trong cả môi trường sống ở rừng và đồng cỏ.
Hiểu rõ hơn về môi trường sống mà voi rừng châu Phi ưa thích trước đây có thể cung cấp thông tin cho những nỗ lực bảo tồn loài vật dễ bị tổn thương này. Theo Tổ chức Động vật hoang dã châu Phi, hơn 60% số voi đã bị săn trộm trong thập kỷ qua, và voi bây giờ chỉ còn được sống trong khoảng 1/4 phạm vi lịch sử của chúng.
Giáo sư Paul Lane cho rằng, nguồn gốc của ngà voi trên tàu đắm Bom Jesus cũng vẽ nên một bức tranh rõ ràng hơn về hoạt động buôn bán ngà voi vào thế kỷ 16 ở lục địa châu Phi. Thực tế là ngà có nguồn gốc từ nhiều đàn khác nhau cho thấy rằng nhiều cộng đồng người ở Tây Phi đã tham gia cung cấp ngà voi.
“Nhưng không rõ liệu các thương nhân Bồ Đào Nha đã thu thập số lượng ngà voi đa dạng này từ một số cảng có nguồn gốc địa phương dọc theo bờ biển hay từ một cảng duy nhất có liên kết với các mạng lưới giao dịch rộng khắp trong lục địa”, Giáo sư Lane nói. Các phân tích trong tương lai về ngà voi được phát hiện tại các khu cảng lịch sử có thể giúp giải đáp bí ẩn.