Phát biểu với các nghị sĩ, Tổng thống Erdogan tuyên bố, nhà lãnh đạo Nga nói rằng châu Âu có thể nhận khí đốt từ trung tâm nói trên.
Trước đó, ngày 13/10 vừa qua, Tổng thống Putin đã đưa ra lời đề nghị trên với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc gặp trực tiếp ở Kazakhstan.
Ông nêu rõ Thổ Nhĩ Kỳ hiện là tuyến vận chuyển khí đốt đáng tin cậy tới châu Âu, đồng thời đề nghị xây dựng 1 trung tâm khí đốt tại nước này để cung cấp cho các nước khác ở châu Âu.
Tổng thống Putin nêu rõ trung tâm này sẽ do 2 bên cùng thiết lập, với chức năng không chỉ bảo đảm cung ứng mà còn có thể giúp ổn định giá cả, một vấn đề rất quan trọng trong mua, bán khí đốt.
Cuộc xung đột tại Ukraine từ cuối tháng 2 năm nay và tiếp đó là các biện pháp trừng phạt tài chính của phương Tây nhằm vào Moskva đã làm gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga cho châu Âu - khu vực phụ thuộc lớn vào khí đốt Nga.
Hiện nay, châu Âu đang nỗ lực loại bỏ dần sự phụ thuộc vào khí đốt Nga. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ Nga đã khiến giá năng lượng leo thang ở châu Âu.
Theo Văn phòng Tổng thống Pháp, lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong tổng lượng châu Âu nhập khẩu đã giảm từ gần 40% của ít tháng trước xuống còn 7,5% hiện nay và dự báo có thể giảm hơn nữa.