Hai nước sẽ vạch ra một lộ trình để thành lập trạm và hợp tác chặt chẽ trong việc lập kế hoạch, thiết kế và thực hiện dự án cũng như giới thiệu nó với cộng đồng vũ trụ thế giới.
Roscosmos cho biết: “Trạm nghiên cứu mặt trăng quốc tế là một cơ sở thí nghiệm khoa học toàn diện được xây dựng trên bề mặt mặt trăng hoặc trên quỹ đạo mặt trăng, có thể thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học đa ngành và đa mục tiêu bao gồm thăm dò và sử dụng, quan sát dựa trên mặt trăng, thực nghiệm khoa học cơ bản và kiểm định kỹ thuật, tự chủ hoạt động lâu dài".
Trong một tuyên bố trên trang web của mình, Roscosmos cho biết, Nga và Trung Quốc sẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế về dự án và cung cấp quyền tiếp cận bình đẳng cho bất kỳ quốc gia nào muốn tham gia.
Bản ghi nhớ đã được Giám đốc Roscosmos Dmitry Rogozin và người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ quốc gia Trung Quốc Zhang Kejian trong một hội nghị trực tuyến.
Thông cáo cũng nêu rõ cả hai bên sẽ sử dụng kinh nghiệm tích lũy được trong khoa học vũ trụ, nghiên cứu phát triển và sử dụng thiết bị không gian và công nghệ vũ trụ để cùng nhau phát triển lộ trình xây dựng trạm nghiên cứu khoa học mặt trăng quốc tế.
Roscosmos lưu ý về viễn cảnh có sự hiện diện của con người trên mặt trăng sau giai đoạn thử nghiệm của dự án.
Trước đây, Trung Quốc và Nga đã ký các thỏa thuận hợp tác trong các sứ mệnh Hằng Nga 7 và Mặt Trăng 27 và một trung tâm dữ liệu chung để khám phá mặt trăng và không gian sâu.
Cũng trong ngày 9-3, Trung Quốc và Pháp đã tái khẳng định cam kết hợp tác cùng nhau trong lĩnh vực khám phá không gian.