Nga My chuyển dịch cơ cấu cây trồng

Xã Nga My, Phú Bình, Thái Nguyên là xã thuần nông, kinh tế chậm phát triển. Những năm gần đây, bà con nông dân bắt đầu chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch gặp nhiều khó khăn...

Cán bộ khuyến nông kiểm tra giống ngô B4 1999 tại xóm Kén, xã Nga My (Phú Bình, Thái Nguyên). 
Cán bộ khuyến nông kiểm tra giống ngô B4 1999 tại xóm Kén, xã Nga My (Phú Bình, Thái Nguyên). 

Nhìn xuống cánh đồng Bến Ðò trắng phau đang ngổn ngang những thớ đất cày ải, Trưởng xóm Diệm Dương Phạm Bá Thanh than thở: Trên cánh đồng này người dân vẫn cấy những giống lúa cũ, kém năng suất như Khang Dân, U70 (với giá giống 16 nghìn đồng/kg), nếu được mùa đạt khoảng gần 1 tạ/sào và canh tác theo công thức hai vụ lúa + một vụ bỏ hoang. Hỏi về việc tại sao không đưa giống mới, lúa lai, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ông Thanh cho biết: Xã cũng triển khai các giống lúa mới về xóm song do người dân chưa thay đổi nhận thức, ít được tập huấn trang bị kiến thức cho nên mạnh ai nấy đăng ký và cấy theo kiểu may rủi, hoàn toàn không nắm được kỹ thuật canh tác. Hơn nữa, do nằm ở cuối nguồn nước cho nên bà con cũng gặp khó khăn về canh tác.

Nga My hiện có 2.550 hộ với 10.787 nhân khẩu (đông nhất huyện). Xã có địa hình bán sơn địa, ruộng nương manh mún, đất đai cằn cỗi, giao thông khó khăn, lũ lụt hằng năm. Trước nay, người dân vẫn giữ lối canh tác nông nghiệp lạc hậu, dựa vào sức người là chính. Bao năm nay, họ loay hoay với việc trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp nhưng đều bất lực hoặc chỉ giải quyết lợi ích trước mắt như: làm ruộng, khai thác cát, đá ven sông Cầu, làm gạch, ngói..., song cách làm này chủ yếu là tự phát, thủ công, sớm bộc lộ những hạn chế như ô nhiễm môi trường, phá hủy đồng ruộng, kênh, mương, đường sá..., chưa có mô hình sản xuất nào hiệu quả, bền vững. Xã có khoảng 70% diện tích đồi núi nhưng là đồi trọc, người dân không có kinh nghiệm nhận thức về rừng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 16 triệu đồng/người/năm.

Những năm gần đây, xã bắt đầu chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực đưa những mô hình sản xuất vào phát triển kinh tế, như mô hình trồng cây chuối tiêu hồng, do Hội Làm vườn tỉnh phối hợp triển khai năm 2012, với số lượng 3.000 cây tập trung các xóm: Ngọc Thượng, Ngọc Hạ, Làng Nội, Diệm Dương..., mô hình trồng cây ngô ngọt trên diện tích 3 ha miền soi bãi; hay mô hình trồng cây ớt tiêu, khoai tây, thanh hao... Với cây lúa, cây chủ đạo, xã đưa nhiều giống mới vào sản xuất như: TH3-3, GS9, BTE1... Xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật với giống lúa Syn 6 trên diện tích 10 ha, thu hút khoảng hơn 200 hộ tham gia. Theo đó, xã được các công ty phối hợp Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn. Riêng trong năm 2014 có 13 lớp với 648 lượt người tham gia tập huấn về giống lúa, chè, ngô, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ về giống vật tư, hình thành ô mẫu.

Tuy nhiên, các mô hình trên khi triển khai cùng gặp chung khó khăn là: không phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu, đặc điểm tình hình tự nhiên của xã. Hai năm trở lại đây, phần lớn lao động từ trung niên, thanh niên đều làm việc tại các công ty, vì vậy mô hình triển khai không có người làm hoặc làm không đến nơi đến chốn. Hệ thống thủy lợi còn thiếu, mới phục vụ được 50% sản xuất. Ví như mô hình cây chuối tiêu hồng trồng trên đất khô cằn không có nước tưới, không theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật trong khi đây là loại cây ưa đất có độ ẩm lớn, đòi hỏi nhiều về kỹ thuật chăm sóc. Mô hình cánh đồng một giống chưa quy hoạch thành vùng tập trung, rải rác chỗ cao chỗ thấp, xen kẽ giống nên thực chất chỉ trồng được 70% diện tích... Do vậy, sau một năm thử nghiệm, tất cả các mô hình trên đều thất bại.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Nga My cho biết: Xã vẫn tiếp tục đẩy mạnh những mô hình sản xuất, phấn đấu trồng 45 đến 50% diện tích giống lúa lai các loại như Thinh Dụ, BTE1, TH3-3, nếp thầu dầu. Dự án trồng 52 ha chè cành đang được triển khai mạnh trên 16 xóm, mở ra hướng đi mới về chuyển đổi cây trồng. Phát triển cây vụ đông như các giống ngô lai NK63, P4... xây dựng cánh đồng rau hàng hóa từ 3 đến 5 ha, phục vụ nguồn nguyên liệu cho Nhà máy điện tử Samsung và thâm canh cánh đồng một giống từ 5 đến 10 ha khu vực đồng An Châu. Ðược sự quan tâm của các cấp ủy Ðảng, năm vừa qua, xã đã đổ bê-tông được gần 5 km đường liên xóm, liên xã, nhất là tuyến cổng làng An Châu. Tuyến đường tỉnh lộ 266 nối từ quốc lộ 37 đến Nga My đang được thi công, nối với các Khu công nghiệp của Dự án Tổ hợp Yên Bình... Ðây sẽ là điều kiện để Nga My có bước phát triển mạnh về mọi mặt.

Có thể bạn quan tâm