Bà Nabiullina cũng cảnh báo rằng, đề xuất của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) - nhằm tước bỏ nguồn thu từ năng lượng của Nga liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva tại Ukraine - sẽ đẩy giá dầu toàn cầu tăng mạnh.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ không cung cấp dầu cho những quốc gia sẽ áp đặt mức giá trần. Dầu và các sản phẩm từ dầu của chúng tôi sẽ được cung cấp cho những quốc gia sẵn sàng hợp tác với chúng tôi".
Nga hiện là nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới sau Saudi Arabia. Tuyên bố trên của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và nhiều nước đang cân nhắc áp mức giá trần đối với dầu nhập khẩu từ Nga, nhằm gia tăng sức ép với Moskva liên quan tình hình xung đột tại Ukraine.
Trước đó, Bloomberg đưa tin, mức giá trần mà Mỹ và các nước đồng minh đang thảo luận đối với dầu mỏ Nga là trong khoảng 40-60 USD/thùng, mức giá vừa làm giảm doanh thu của Nga từ dầu, mà vẫn hạn chế tối đa tác động lên nền kinh tế các nước này.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Đức cuối tháng trước, lãnh đạo các nền kinh tế phát triển đã thống nhất nghiên cứu các phương án để áp trần giá, như cấm bảo hiểm và vận chuyển dầu cùng các sản phẩm xăng, dầu của Nga, trừ trường hợp giá bán dưới mức trần.
Hiện, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, một số quốc gia ở châu Phi và Trung Đông đã tăng cường nhập khẩu năng lượng từ Nga trong bối cảnh giá dầu của nước này đang giảm sâu so với giá dầu thế giới vì nhiều nhà máy lọc dầu châu Âu đã ngừng mua dầu của Nga.
Cùng ngày 22/7, liên quan thông tin tuabin cho đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 bị mắc kẹt khi vận chuyển tại Đức do không có sự cho phép của Nga, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ, mọi chỉ trích Nga về việc trì hoãn trả lại tuabin cho đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 sau khi bảo dưỡng ở Canada là vô căn cứ.
Ông Peskov nhắc lại tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19/7 tại Tehran (Iran), rằng Moskva chưa nhận được tài liệu kỹ thuật cũng như pháp lý về tuabin này. Ông cho rằng nguồn tin này không chính xác và đề nghị tìm hiểu ở thông tin từ Tập đoàn Gazprom là cơ quan quản lý tuabin.
Từ giữa tháng 6, Dòng chảy phương Bắc 1 chỉ hoạt động với 40% công suất do tua-bin khí của Siemens không được trả về đúng thời gian sau khi bảo dưỡng do các biện pháp trừng phạt của Canada đối với Nga.
Sau nhiều yêu cầu từ phía Đức, ngày 9/7 Canada quyết định trả lại tuabin đã bảo dưỡng. Ủy ban châu Âu tuyên bố việc trả lại tua-bin không vi phạm biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với Nga vì các biện pháp này không áp dụng cho thiết bị vận chuyển khí đốt.
Gazprom cho biết chưa nhận được từ Siemens tài liệu về việc trả lại tuabin và đã gửi yêu cầu cho tập đoàn của Đức này. Gazprom cũng lưu ý việc trả lại tua-bin trong điều kiện trừng phạt và việc bảo dưỡng tiếp theo các tua-bin khác sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của Dòng chảy phương Bắc 1.
Tổng thống Putin tuyên bố nếu tuabin không được trả lại, lượng khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc 1 sẽ giảm xuống còn 30 triệu m3/ngày.