Dự án sẽ đánh dấu một chương mới cho hoạt động khám phá không gian của Nga và kết thúc hơn hai thập kỷ hợp tác chặt chẽ với Mỹ trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) đã già cỗi.
Hãng thông tấn Interfax dẫn lời Giám đốc Roscosmos, ông Dmitry Rogozin, cho biết: “Nếu thuận lợi, kế hoạch của chúng tôi là vào năm 2030 có thể đưa trạm vào quỹ đạo. Đó sẽ là một bước đột phá lớn để tạo ra bước tiến mới trên thế giới trong việc đưa con người khám phá vũ trụ".
Các nhà du hành vũ trụ Nga đã làm việc với các đối tác từ Mỹ và 16 quốc gia khác trên ISS kể từ năm 1998.
Cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov nói với kênh truyền hình Nga rằng, Moscow sẽ thông báo cho các đối tác về việc họ sẽ rời khỏi dự án ISS từ năm 2025.
Ông Rogozin cho biết, trạm vũ trụ của Nga, không giống như ISS, rất có thể sẽ không được đưa vào hoạt động vĩnh viễn, vì quỹ đạo của nó sẽ khiến nó bị nhiễm bức xạ cao hơn.
Nhưng các nhà du hành vũ trụ sẽ đến thăm nó và cũng sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo và robot để điều khiển trạm.
Ông cho biết, Nga sẵn sàng xem xét cho phép các phi hành đoàn nước ngoài đến thăm, nhưng theo ông, trạm vũ trụ phải mang tính quốc gia... Nếu muốn, các quốc gia hãy tự xây dựng trạm của riêng mình.
Interfax dẫn lời một nguồn tin giấu tên cho biết, Nga đã lên kế hoạch chi tới 6 tỷ USD để đưa dự án này vào hoạt động.