Nét mới của du lịch bắc miền trung

Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức chương trình khảo sát tuyến, điểm du lịch khu vực bắc miền trung, trọng điểm là hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, nhằm thúc đẩy công tác quảng bá và khai thác tiềm năng du lịch của khu vực.

Khách sạn 5 sao trong khu nghỉ dưỡng FLC Thanh Hóa, điểm nhấn mới của du lịch xứ Thanh.
Khách sạn 5 sao trong khu nghỉ dưỡng FLC Thanh Hóa, điểm nhấn mới của du lịch xứ Thanh.

Là tỉnh đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia 2015, thời gian qua, Thanh Hóa đã rất quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, nhất là về giao thông, nhằm tạo thuận lợi cho du khách đến với các điểm du lịch như Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, khu di tích Lam Kinh và các bãi biển Sầm Sơn, Tĩnh Gia, Hải Tiến… Tỉnh vừa mở thêm tuyến du lịch sông Mã và làng du lịch cộng đồng Năng Cát- thác Ma Hao (huyện Lang Chánh), góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Đến nay, trên toàn tỉnh đã có một tổ hợp kinh doanh nghỉ dưỡng cao cấp năm sao, 600 cơ sở lưu trú với hơn 20.000 giường, xếp thứ sáu về số lượng cơ sở lưu trú trong cả nước, trong đó có 121 khách sạn từ 1 đến 4 sao; năm doanh nghiệp lữ hành quốc tế và 360 cơ sở phục vụ ăn uống, nhà hàng. Tổng số lao động trực tiếp làm việc trong ngành du lịch là 18.500 người.

Sự quan tâm đầu tư đã tạo nên những thay đổi vượt bậc ở các điểm đến du lịch, nhất là tại Sầm Sơn. Sáu tuyến đường chính trong thị xã được chỉnh trang với hệ thống chiếu sáng hiện đại, trong đó riêng đường Hồ Xuân Hương đã được đầu tư 400 tỷ đồng để nâng cấp. Theo Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn Trịnh Huy Triều, bãi tắm Sầm Sơn đã và đang được quy hoạch lại, không những đẹp mà còn phải thân thiện với tầm nhìn không gian mở rộng. Một điểm nhấn mới, tạo nên bước đột phá, loại bỏ tính mùa vụ của du lịch Sầm Sơn là việc khai trương, đưa vào sử dụng quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn được công nhận đạt chuẩn 5 sao. Khu nghỉ dưỡng này có diện tích 200 ha với tổng đầu tư 5.500 tỷ đồng với 500 phòng nghỉ và 152 bể bơi với đầy đủ tiện nghi đạt chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, còn có nhiều hạng mục như trung tâm hội nghị quốc tế, sân gôn, biệt thự nghỉ dưỡng, resort, bể bơi nước mặn lớn nhất Việt Nam. Với khu du lịch này, du khách sẽ đến nghỉ dưỡng nơi đây quanh năm.

Du lịch Nghệ An cũng đang có những chuyển động mạnh mẽ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Những năm qua, tỉnh đã phát triển nhiều loại hình du lịch theo hướng chuyên nghiệp, đa dạng, trọng tâm là du lịch biển đảo gắn với du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh và sinh thái. Dự kiến năm 2015, lượng khách đến Nghệ An đạt khoảng hơn 3,6 triệu lượt khách, doanh thu ước tính 2.500 tỷ đồng. Ngành du lịch Nghệ An đặc biệt chú ý nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát triển, trong đó có đội ngũ thuyết minh viên tại các điểm đến như Khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên - Nam Đàn, khu di tích lịch sử Truông Bồn - Đô Lương... Hiện tại, ngành du lịch tỉnh phối hợp các cơ sở đào tạo để tạo dựng một đội ngũ hướng dẫn viên thông thạo
tiếng Lào, tiếng Thái-lan, đáp ứng lượng du khách ngày càng tăng từ hai nước bạn. Với thế mạnh là vị trí đầu mối giao thông của khu vực, có hệ thống đường sắt, đường bộ, cảng biển và
sân bay, Nghệ An hội tụ đủ các điều kiện để thật sự trở thành một trung tâm đón khách nối tuyến du lịch của các tỉnh trong khu vực và các nước trên hành lang kinh tế Đông - Tây.

Tại cuộc tọa đàm về du lịch Thanh Hóa và Nghệ An vừa được tổ chức trong chương trình khảo sát du lịch bắc miền trung vừa qua, nhiều ý kiến đã nhấn mạnh đến vai trò truyền thông trong công tác quảng bá du lịch khu vực. Lãnh đạo hai tỉnh đã ghi nhận những đóng góp của các cơ quan báo chí và mong muốn sự hợp tác của các báo, đài nhằm quảng bá hình ảnh và đưa thông tin về du lịch hai tỉnh đến với đông đảo du khách trong nước, ngoài nước. Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An Hồ Mậu Thanh, sở dĩ du lịch tỉnh có những bước phát triển như thời gian qua là nhờ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được thực hiện ngày càng hiệu quả, chuyên nghiệp hơn, với vai trò không thể thiếu của các cơ quan báo chí.

Để thúc đẩy quảng bá du lịch, nhiều chuyên gia và lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam cùng đại diện các hãng lữ hành dự tọa đàm cho rằng, ngành du lịch hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An nên chủ động tăng cường cung cấp thông tin, tạo điều kiện để báo chí tiếp cận tuyên truyền về các tuyến, điểm du lịch của địa phương và phải quan tâm dành kinh phí cho lĩnh vực này. Công tác quảng bá, xúc tiến nên có sự phối hợp, liên kết giữa các tỉnh để giới thiệu hình ảnh điểm đến chung của khu vực.