“Nếp áo thanh xuân” - nâng niu áo dài Việt Nam

NDO - Ngày 7/6, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội), Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam, thuộc Quỹ hỗ trợ bảo tồn Di sản văn hóa Việt Nam, tổ chức tọa  đàm “Nếp áo thanh xuân” và trao tặng áo dài cho cô giáo và nữ sinh các trường phổ thông thuộc địa bàn khó khăn ở Phú Thọ, Nghệ An và Thanh Hóa. Sự kiện thu hút đông đảo khán giả yêu tà áo dài, quan tâm đến di sản.
0:00 / 0:00
0:00
Các diễn giả đã chia sẻ nhiều thông tin, cảm xúc, đề xuất... có giá trị tại tọa đàm.
Các diễn giả đã chia sẻ nhiều thông tin, cảm xúc, đề xuất... có giá trị tại tọa đàm.

"Nếp áo thanh xuân" là sáng kiến trong chuỗi hoạt động của mạng lưới Di sản - Kết nối, được Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam khởi xướng nhằm gìn giữ, phát huy, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc tới công chúng trong và ngoài nước, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Theo Ban Tổ chức chương trình, “Nếp áo thanh xuân” là nếp văn hóa của quê hương - nơi các bạn trẻ sinh ra, lớn lên, học tập và trưởng thành; “Nếp áo thanh xuân” cũng sẽ theo các bạn bước vào giảng đường đại học hay hành trình lập nghiệp, góp sức cho sự phát triển gia đình, quê hương, đất nước.

“Nếp áo thanh xuân” - nâng niu áo dài Việt Nam ảnh 1

Người xem thưởng thức triển lãm ảnh "Di sản quanh ta" của nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh Minh Hải tại không gian tổ chức tọa đàm.

Khách mời tại toạ đàm là các học giả, nhà quản lý, chuyên gia mỹ thuật đã gắn bó lâu năm và tâm huyết với công tác bảo tồn di sản. Đó là Giáo sư, Tiến sĩ Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; Tiến sĩ Đặng Thị Bích Liên - nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch danh dự Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mỹ thuật ứng dụng(Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam).

Các diễn giả đã trao đổi, thảo luận và trò chuyện với người xem về những nét đặc sắc, nổi bật của áo dài Việt Nam, thống nhất việc tôn vinh áo dài trở thành di sản văn hoá phi vật thể quốc gia và hướng tới đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

“Nếp áo thanh xuân” - nâng niu áo dài Việt Nam ảnh 2

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Tâm điều hành chương trình.

Giáo sư, Tiến sĩ Từ Thị Loan khẳng định, áo dài xứng đáng là di sản của văn hóa Việt Nam. Chiếc áo dài có hàng nghìn năm hình thành, phát triển, với những kết quả nghiên cứu hình ảnh trên trống đồng Đông Sơn, trong tranh dân gian Đông Hồ… Áo dài cũng là một trong số ít từ thuần Việt được người nước ngoài sử dụng dưới dạng trong các văn bản, tương tự như phở, nem, nước mắm, nón lá...

“Hình ảnh tà áo dài là nguồn cảm hứng, vừa là sản phẩm sáng tạo, liên kết với các ngành thủ công mỹ nghệ, thiết kế, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, du lịch văn hóa; góp phần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong cuộc sống đương đại”, Giáo sư, Tiến sĩ Từ Thị Loan nhấn mạnh.

“Nếp áo thanh xuân” - nâng niu áo dài Việt Nam ảnh 3

Bà Đặng Thị Bích Liên (người ở giữa) chia sẻ tại toạ đàm.

Nguyên Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên chia sẻ, bà có nhiều kỷ niệm đối với tà áo dài, nhất là khi tham gia các sự kiện ngoại giao, hợp tác quốc tế. Thời bà là thành viên đoàn Việt Nam dự các cuộc họp Đại hội đồng UNESCO xét công nhận di sản văn hóa vật thể và phi vật thể thế giới, mỗi lần bảo vệ di sản của Việt Nam trước Đại hội đồng UNESCO, bà lại mặc bộ áo dài Việt Nam với màu sắc, hoa văn truyền thống đặc trưng. Chỉ sau vài khoảnh khắc được các ống kính truyền hình quay đến, hình ảnh đoàn Việt Nam trong đó có bà - trong trang phục áo dài - lại được phát sóng, quảng bá khắp năm châu.

Với kinh nghiệm nghiên cứu, quản lý lâu năm trong lĩnh vực di sản, bà Bích Liên cũng góp ý với chương trình một số nội dung, như: Nhân rộng mô hình đưa áo dài vào trường học, không chỉ ở địa bàn vùng sâu vùng xa; làm rõ những đặc trưng áo dài Việt Nam; khôi phục các làng nghề truyền thống gắn với không gian áo dài, sản xuất áo dài để phục vụ du lịch, đóng góp vào phát triển công nghiệp văn hoá...

“Nếp áo thanh xuân” - nâng niu áo dài Việt Nam ảnh 4

Diễn viên Minh Tiệp thay mặt nam giới tại khán phòng phát biểu ý kiến.

Có mặt tại toạ đàm, diễn viên Nguyễn Minh Tiệp, Phó Giám đốc Trường quay Cổ Loa (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho biết, bản thân rất yêu quý và trân trọng áo dài. Mỗi lần tham dự các liên hoan phim quốc tế, đoàn Việt Nam đều diện áo dài và khi đồng nghiệp, công chúng, truyền thông quốc tế nhìn thấy là biết ngay là đoàn Việt Nam. Khi đó, hình ảnh áo dài là bộ nhận diện thương hiệu quốc gia. Minh Tiệp cũng tiết lộ, sắp tới một số bộ phim đề tài lịch sử có sử dụng áo dài sẽ được quay tại Trường quay Cổ Loa.

“Nếp áo thanh xuân” - nâng niu áo dài Việt Nam ảnh 5

Đại diện giáo viên và nữ sinh 3 trường học nhận tài trợ áo dài từ Ban tổ chức.

Phần thứ hai của sự kiện, Ban Tổ chức đã công bố dự án tài trợ áo dài cho nữ sinh lớp 12 và cô giáo tại một số địa bàn miền núi khó khăn năm học 2024-2025, gồm: Trường Phổ thông trung học Tân Sơn (Phú Thọ); trường Phổ thông trung học Tương Dương (Nghệ An); và trường Phổ thông trung học Cẩm Thuỷ 2 (Thanh Hoá), với 550 bộ áo dài được trao cho các cô giáo và nữ sinh trong đợt này. Chương trình tài trợ áo dài chia thành nhiều giai đoạn, diễn ra từ năm 2024-2028, sẽ trao tặng hàng nghìn áo dài cho các trường học tại nhiều địa phương trên cả nước.

“Nếp áo thanh xuân” - nâng niu áo dài Việt Nam ảnh 6

Các đại diện Câu lạc bộ Di sản áo dài Hải Phòng, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh... đến tham gia sự kiện.

Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam được thành lập vào tháng 12/2022 với hơn 1.000 thành viên ban đầu. Thời gian qua, Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam mở rộng nhanh chóng, ra mắt 8 câu lạc bộ thành viên tại 5 địa phương trong nước và 3 quốc gia khác. Nhiều hoạt động tôn vinh áo dài thiết thực và tạo hiệu ứng xã hội tốt đã được tổ chức, như triển lãm ảnh nghệ thuật, trình diễn thời trang áo dài, hỗ trợ quảng bá du lịch văn hoá… Tới đây, trong tháng 6, Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ tổ chức lễ diễu hành ra mắt.