Mấy năm nay, ở Láng Biển, nghề nuôi cá sặc rằn được phát triển mạnh. Đây cũng là một trong những ngành hàng tái cơ cấu của huyện Tháp Mười.
“Cá sặc rằn đem lại nguồn thu nhập khá ổn định cho người dân xã Láng Biển, cũng từ đây, hội quán nông dân liên quan đến ngành hàng này được ra đời”, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ nhiệm Thuận Phát Hội quán chia sẻ.
Thuận Phát Hội quán được thành lập vào tháng 7/2020 do các thành viên tự nguyện gia nhập, ban đầu được 42 thành viên, hiện tại số thành viên là 47. Tổng diện tích các hội viên thả nuôi là 92 ha. Hội quán được thành lập để hướng sản xuất phù hợp với thị trường; kiểm soát được diện tích, sản lượng nhằm hạn chế tối đa tình trạng cung vượt cầu.
Trước khi xuất cá, thành viên hội quán phải báo cáo cho Ban chủ nhiệm để bàn bạc sắp xếp thành viên nào bán trước, bán sau, để các thành viên an tâm sản xuất và tạo sự đoàn kết chặt chẽ giữa các thành viên. Nhờ đó, thời gian qua, sự tiến bộ trong việc nuôi và bán cá của các thành viên được nâng lên rõ rệt.
Mục tiêu của hội quán là tập trung thành viên lại để trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình nuôi, nhằm đáp ứng với nhu cầu thị trường.
Chủ nhiệm Thuận Phát Hội quán Nguyễn Văn Việt cũng là nông dân có diện tích nuôi cá sặc rằn nhiều nhất ấp 3, xã Láng Biển. Ông đang thả nuôi cá với diện tích 20 ha, gồm đất nhà và đất thuê.
Trước khi có hội quán, ông Việt cũng thả nuôi cá sặc rằn nhưng diện tích không nhiều như hiện nay. Nhờ hội quán, ông cùng những bạn nuôi cá sặc rằn trong xóm có dịp ngồi lại bàn chuyện làm ăn.
Ông Nguyễn Văn Việt cho biết: “Hội quán tập hợp được các nông dân cùng sở thích, cùng nuôi một loại cá nên việc chia sẻ nhau các thông tin rất dễ dàng.
Ngoài ra, hội quán còn được cán bộ ngành nông nghiệp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tập huấn mô hình VietGAP, sử dụng men vi sinh, chế phẩm sinh học để hạn chế ô nhiễm môi trường, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm cá sặc rằn, bảo vệ người tiêu dùng”.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Láng Biển, huyện Tháp Mười gặp gỡ, trò chuyện với các thành viên Thuận Phát Hội quán. |
Theo Ban chủ nhiệm Thuận Phát Hội quán, thời gian tới, hoạt động của hội quán cần được nâng cao hơn nữa, tiếp cận thị trường, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi để có trách nhiệm cùng nhau hợp tác mang lại lợi nhuận để người chăn nuôi an tâm sản xuất. Thành viên hội quán thực hiện tốt mô hình VietGAP để sản phẩm được bảo đảm chất lượng khi có truy xuất nguồn gốc.
Hội quán cũng chú trọng các phần việc cụ thể trong những ngày tới như: Thảo luận về thời gian thả nuôi và nguồn cung cấp cá giống; thảo luận về khâu chuẩn bị, ao nuôi, nơi cung cấp thức ăn và thuốc trị bệnh.
Các thành viên tích cực chỉnh trang cảnh quan hàng rào cổng ngõ nhà mình để góp phần cùng địa phương trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Hiện nay, sản phẩm ngành hàng khô cá sặc rằn của xã cũng đã được bán dưới dạng chế biến thành các sản phẩm và bán phổ biến trên một số sàn thương mại điện tử, trên nền tảng Tiktok.
Câu chuyện hội quán nông dân nuôi cá sặc rằn có thể được coi là chuyện truyền cảm hứng của người dân Láng Biển trong những ngày đầu làm kinh tế nông nghiệp.
Từ đây, hàng loạt cách làm mang lại hiệu quả cao, giúp người nông dân có nguồn thu nhập ổn định trên cánh đồng, khu vườn, ao cá quê mình. Và, đây cũng chính là nền tảng vững chắc trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Láng Biển...
Nuôi cá sặc rằn ở xã Láng Biển giúp nhiều nông dân ổn định cuộc sống. |
Ngoài hội quán, xã Láng Biển còn có 1 hợp tác xã, các tổ hợp tác liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông sản, hàng năm đều liên kết với các công ty trong và ngoài huyện bảo đảm cho người dân về giá cả ổn định, các mô hình sản xuất được củng cố và nâng cấp hoàn thiện.
Qua tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới xã Láng Biển cho thấy, từ sự quan tâm của tỉnh, huyện, bằng sự quyết tâm, năng động của hệ thống chính trị, đặc biệt là với sự chung tay góp sức của tập thể nhân dân, đến nay xã Láng Biển đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Láng Biển Trịnh Đức Hoạt cho biết: “Hợp tác xã, tổ hợp tác và hội quán đều có sự liên kết chặt chẽ với nông dân, cho đầu ra ổn định, tạo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến những sản phẩm nông sản phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.
Xã tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, trong đó có tiêu chí “Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, bảo đảm thực sự nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, xây dựng nền nông nghiệp phát triển ổn định.
Tiếp tục phối hợp các ngành chuyên môn huyện mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, làm cầu nối cho nông dân liên kết với các nhà doanh nghiệp để thực hiện mô hình liên kết trong tiêu thụ sản phẩm”.