Nền tảng quản lý tiêm chủng - "Vũ khí công nghệ" trong phòng, chống dịch Covid-19 của người Việt

NDO - Tiêm phòng vaccine luôn là phương án quan trọng để phòng chống dịch. Trong cao điểm chống dịch Covid-19, để thần tốc hoàn thành công tác tiêm chủng, việc xây dựng nền tảng công nghệ giúp quản lý, lưu trữ dữ liệu trở thành bài toán được ưu tiên giải quyết sớm.
0:00 / 0:00
0:00
Tháng 3/2021, nền tảng Quản lý tiêm chủng đang triển khai toàn quốc được nâng cấp và bổ sung thêm tính năng về tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.
Tháng 3/2021, nền tảng Quản lý tiêm chủng đang triển khai toàn quốc được nâng cấp và bổ sung thêm tính năng về tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.

Nhiều bệnh truyền nhiễm tiếp tục là mối đe dọa y tế toàn cầu

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 6,6 triệu người, gây thiệt hại kinh tế hàng nghìn tỷ USD. WHO còn cảnh báo dịch sởi cũng có nguy cơ trở thành mối đe dọa sức khỏe toàn cầu. Ngoài ra, tại Hội nghị khoa học Nghiên cứu và Ứng dụng trong y học, diễn ra tại Hà Nội vào đầu tháng 12/2022, các chuyên gia Việt Nam cũng nhận định bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi đang đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu. Để dự phòng các căn bệnh truyền nhiễm bùng phát thành dịch, các chuyên gia đều cho rằng tiêm phòng vaccine là một biện pháp rất hiệu quả. Hiện nay, gần 30 bệnh đã có thể dự phòng được bằng vaccine nhằm bảo vệ sức khỏe cho con người. Việc tiêm phòng vaccine còn giúp giảm thời gian ốm, nhập viện, chi phí chăm sóc y tế. Bên cạnh những ích lợi đối với cá nhân, tiêm phòng vắc xin còn có tác động lâu dài đối với sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có thể ghi nhớ, theo dõi và tuân thủ nghiêm ngặt lịch tiêm chủng của bản thân cũng như các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ. Việc tiêm không đúng lịch, không đủ mũi, mất sổ tiêm, không quản lý được lịch sử tiêm chủng do di biến động dân cư là hiện tượng rất phổ biến.

Vậy làm thế nào để từng người dân quản lý được lịch sử tiêm chủng của bản thân và các thành viên trong gia đình, bảo đảm được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Đồng thời, làm sao để những cơ sở dữ liệu giúp được các cơ quan chuyên môn xác định được vùng lõm tiêm chủng, kịp thời tổ chức tiêm bù tiêm vét, chủ động nghiên cứu, hoạch định các chính sách, dự báo và chống dịch hiệu quả?

Khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, nhu cầu này càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết để quản lý việc tiêm chủng vaccine Covid-19 của người dân. Tháng 3/2021, Nền tảng Quản lý tiêm chủng đang triển khai toàn quốc được nâng cấp và bổ sung thêm tính năng về tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Nền tảng do Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) phát triển, đã đi vào vận hành kịp thời trong thời gian cao điểm của đại dịch Covid-19, khi ngành y tế chưa có hệ thống quản lý tổng thể phục vụ công tác tiêm chủng.

Hệ thống nổi bật của nền tảng này là Cổng công khai thông tin tiêm chủng Covid-19. Thông qua hệ thống này, số liệu không chỉ được cập nhật liên tục, đầy đủ, chính xác mà còn giúp người xem có thể phân tích và nhìn ra bức tranh tổng quát về tình hình tiêm chủng ở nước ta.

Tại lễ công bố Giải thưởng Sản phẩm Công nghệ số Make in Vietnam diễn ra vào ngày 8/12, nền tảng Quản lý tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đã có chiến thắng thuyết phục với giải Vàng tại hạng mục “Sản phẩm xuất sắc cho Xã hội số”.

Giải thưởng Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam là giải thưởng chính thức trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, được Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xét và trao tặng hàng năm cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm công nghệ số xuất sắc được nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam, giải các bài toán Việt Nam và thời đại. Trưởng Ban tổ chức là Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Ban Tổ chức gồm các lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông. Đây là giải thưởng có tính cạnh tranh cao và tỷ lệ đạt giải rất thấp so với các giải thưởng trong nước khác.

Một nền tảng - đa nhiệm vụ

Nền tảng quản lý tiêm chủng - "Vũ khí công nghệ" trong phòng, chống dịch Covid-19 của người Việt ảnh 1

Nền tảng Quản lý tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đoạt giải Vàng tại hạng mục “Sản phẩm xuất sắc cho Xã hội số” ở giải thưởng Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam.

Theo yêu cầu của Chính phủ, đề nghị từ Bộ Y tế, Viettel Solutions đã xây dựng hệ thống quản lý tiêm chủng từ 2017 đáp ứng các yêu cầu của Bộ Y tế về quản lý kế hoạch tiêm, quá trình tiêm, quản lý vaccine, các báo cáo thống kê theo quy định. Khi đại dịch bùng nổ, đơn vị cấp tốc nâng cấp và triển khai tích hợp thêm tính năng tiêm phòng vaccine Covid-19. Chỉ trong vòng 2 tháng, hệ thống đã đáp ứng được yêu cầu của Bộ Y tế và đưa vào sử dụng.

Khác biệt với những sản phẩm quốc tế và trong nước hiện nay, nền tảng này là một hệ thống tổng thể duy nhất ở Việt Nam gồm 4 thành phần: Sổ sức khỏe điện tử, Cổng công khai thông tin tiêm chủng phòng Covid-19, Hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng quốc gia, Trung tâm Đáp ứng (MCC). Điều đó giúp cơ sở dữ liệu được quản lý tập trung, đồng bộ thông tin tức thời từ các cơ sở tiêm chủng đến các cơ quan quản lý và minh bạch đến người dân. Đồng thời, với hệ thống này, nước ta vừa triển khai tiêm chủng vừa quản lý, giám sát và nghiên cứu.

Cụ thể, ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử phục vụ người dân khai báo y tế, đăng ký tiêm, cập nhật thông tin phản ứng sau tiêm, tra cứu, phản ánh và quản lý hồ sơ sức khỏe bản thân, người thân gia đình.

Cổng thông tin tiêm chủng cung cấp thông tin về vaccine, cho phép người dân đăng ký tiêm, tra cứu kết quả tiêm chủng, gửi thông tin phản ánh về chứng nhận tiêm.

Hệ thống Hỗ trợ công tác tiêm chủng cho phép cơ sở y tế quản lý đối tượng tiêm, lập kế hoạch, thực hiện tiêm từ bước tiếp đón, khám sàng lọc đến thống kê, báo cáo.

Hệ thống phục vụ công tác chỉ đạo điều hành cung cấp số liệu báo cáo chiến dịch tiêm, phân bổ vaccine, số liệu triển khai tiêm, báo cáo phản ứng bất lợi sau tiêm và các báo cáo tổng hợp khác phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.

Kể từ tháng 3/2021, nền tảng này đã hỗ trợ chiến dịch đáp ứng 5 triệu mũi tiêm/ngày, vận hành tại 63/63 tỉnh/thành phố, phục vụ gần 95 triệu đối tượng, quản lý hơn 246 triệu mũi tiêm và có lưu lượng tải gấp 6 lần thông thường. Nền tảng đã được triển khai tại 22.000 cơ sở y tế các tuyến, 63 sở y tế, các đơn vị thuộc Bộ Y tế. Riêng Sổ sức khỏe điện tử đã có hơn 34 triệu người dân cài đặt và sử dụng.

Những thành tựu và điểm khác biệt của sản phẩm đã chứng tỏ Nền tảng quản lý tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 quốc gia đã trở thành vũ khí công nghệ quan trọng của toàn dân, góp phần giúp đất nước vượtkhó khăn của dịch bệnh.

Trong tương lai, nền tảng này được kỳ vọng sẽ giải quyết các vấn đề thuộc phạm vi y tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, phát triển bền vững, trách nhiệm của xã hội, thu hẹp khoảng cách số, chuyển giao tri thức, hỗ trợ cộng đồng.

Với mục tiêu tiếp tục duy trì và tạo lập cơ sở dữ liệu về tiêm chủng cho ngành Y tế, nền tảng không chỉ phục vụ công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 mà còn được định hướng lâu dài, trở thành nền tảng quản lý tiêm chủng phòng các bệnh thông thường khác, và tạo lập cho mỗi người dân một bản hồ sơ sức khỏe cá nhân đầy đủ bao gồm thông tin lịch sử khám chữa bệnh và tiêm chủngHệ thống phải có khả năng gợi ý, cảnh báo, phân tích dựa trên số liệu lịch sử và đặc điểm hiện tại về dịch tễ và xã hội, giảm sai số do con người. Qua đó, hệ thống giúp dự báo được nhu cầu vắc xin và các nguồn lực tiêm chủng khác. Như vậy, ngành y tế có thể nhanh chóng tiết kiệm hàng tỷ đồng do tình trạng vắc xin hết hạn phải tiêu hủy.

Ngoài ra, hệ thống phải được phân cấp, phân quyền, có các cơ chế bảo mật và xác thực cho từng cơ sở y tế và từng cá nhân khi truy cập. Bất kể người dùng là cán bộ tiêm chủng, cán bộ quản lý y tế hay người dân, việc bảo đảm tính bảo mật sẽ giúp họ có thể tin tưởng để đăng nhập ở mọi lúc, mọi nơi có internet và duy trì đầy đủ dữ liệu của mình trên hệ thống.

Việc “số hóa” toàn bộ dữ liệu còn giúp xóa bỏ hoàn toàn hệ thống sổ sách và báo cáo thống kê, giải phóng sức lao động cho cán bộ y tế các cấp, nâng cao tính chính xác và kịp thời của số liệu tiêm chủng, rút ngắn thời gian ra các chính sách, chỉ đạo xử lý liên quan tiêm chủng.