“Nàng tiên cá” và bài học về tôn trọng khán giả

NDO - Bộ phim “Nàng tiên cá” gây sốt khắp thế giới ngay từ khi chưa ra mắt nhưng không phải vì câu chuyện, sức hấp dẫn của bộ phim, mà vì những lùm xùm chung quanh sự lựa chọn diễn viên chính.
0:00 / 0:00
0:00
Một cảnh quay của nàng tiên cá Ariel và hoàng tử Eric trong phim. (Ảnh: Internet)
Một cảnh quay của nàng tiên cá Ariel và hoàng tử Eric trong phim. (Ảnh: Internet)

“The Little Mermaid” là bộ phim live-action (phim người đóng) chuyển thể từ bản hoạt hình cùng tên của hãng phim Walt Disney sản xuất năm 1989. Ở bản phim hoạt hình này, Walt Disney cũng đã chỉnh sửa kết phim cho có hậu hơn đối với nàng tiên cá Ariel, đồng thời cũng tạo cho Ariel tính cách mạnh mẽ hơn. Bản gốc hoạt hình với hình ảnh nàng tiên cá da trắng, mắt xanh với mái tóc đỏ bồng bềnh đã trở thành biểu tượng huyền thoại trong trí tưởng tượng của hầu hết khán giả về hình ảnh nàng tiên cá. Hình ảnh Ariel tóc đỏ không chỉ tồn tại trong bộ phim, mà đã được phát triển rộng rãi trong đời sống như sản xuất đồ chơi, game, hình trang trí, một số vật dụng…

Năm 2019, Disney tuyên bố làm lại “The Little Mermaid” với một số thay đổi như tạo cho nàng tiên cá nhiều tư tưởng thời đại hơn, không chỉ vì tình yêu đối với một chàng trai mà đánh đổi giọng hát, mà còn bởi vì sự khao khát tự do, khao khát tìm hiểu thế giới mới bên ngoài, ở đây cụ thể là thế giới của con người. Ariel được xây dựng tự chủ hơn, hiện đại hơn so với nhân vật hoạt hình. Hoàng tử cũng có những nét tương đồng với Ariel, thích đi đây đi đó, khám phá thế giới, tìm hiểu những nền văn hóa mới lạ, nhưng bị mẹ ngăn cản vì sợ những nguy hiểm từ biển xanh. Sự tương đồng này khiến cho hai con người từ hai thế giới có sự đồng cảm và từ đó dẫn đến tình yêu dành cho nhau.

“Nàng tiên cá” và bài học về tôn trọng khán giả ảnh 1

Nữ diễn viên Halle Bailey không nhận được sự ủng hộ của khán giả tại một số thị trường vì không phù hợp với tạo hình nhân vật.

Tuy nhiên, khi công bố nhân vật chính Ariel do nữ diễn viên da màu Halle Bailey thủ vai, “The Little Mermaid” của đạo diễn Rob Marshall đã vấp phải sự chỉ trích, phản đối rộng rãi của khán giả. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng, nguyên bản nàng tiên cá Ariel của chính Walt Disney có làn da trắng, đôi mắt xanh như biển và mái tóc đỏ bồng bềnh, không phù hợp với Halle Bailey da màu và có mái tóc nâu tết dreadlock nặng nề. Giải thích cho việc “đổi màu” nàng tiên cá, Walt Disney cho rằng, trong phim, vua Thủy Tề có 7 cô con gái đại diện cho 7 vùng biển dưới quyền cai trị của nhà vua, cùng với những cư dân dưới đáy biển đa dạng, có nhiều nguồn gốc khác nhau, cho nên mỗi tiên cá sẽ có một màu da, một chủng tộc.

Khi “The Little Mermaid” chính thức công chiếu ngoài rạp, Walt Disney công bố doanh thu đạt tới 117, 4 triệu USD chỉ trong vòng 4 ngày đầu ra mắt. Tính đến nay, bộ phim đã thu về 327 triệu USD, trong đó có 186 triệu USD từ thị trường Mỹ, phần còn lại là các thị trường quốc tế. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số để đánh giá mức độ thành công của bộ phim, khi phải thu về ít nhất là từ 600 đến 650 triệu USD mới hoàn vốn cho con số chi phí sản xuất là 250 triệu USD. Trong khi đó, bộ phim vấp phải những phản ứng hết sức nặng nề tại các thị trường lớn ở châu Á. Tại thị trường Trung Quốc, một trong những thị trường trọng điểm của hầu hết các phim bom tấn Hollywood, kể từ khi ra mắt vào ngày 28/5 đến nay, phim thu về vỏn vẹn 3,6 triệu USD. Còn tại thị trường Hàn Quốc, doanh thu có khá hơn một chút, đạt 4,4 triệu USD sau 10 ngày công chiếu.

Khán giả ở thị trường châu Á tỏ ra khá thất vọng về nhân vật nàng tiên cá Ariel do Halle Bailey thủ vai. Nhiều khán giả nhấn mạnh rằng, trong tâm trí họ, nàng tiên cá luôn có nước da trắng và mái tóc đỏ bồng bềnh, chứ không phải một cô gái da màu có mái tóc tết dreadlock. Một số khán giả chỉ trích Halle Bailey không chịu hy sinh cho vai diễn khi giữ nguyên mái tóc không phù hợp với nguyên tác.

Tại Việt Nam, nhiều khán giả đã phản ứng ngay từ khi có thông tin Halle Bailey được chọn vào vai Ariel do sự khác biệt quá xa đối với nhân vật trong phim hoạt hình. Những cuộc tranh cãi gay gắt đã nổ ra khắp các mạng xã hội, các bài viết, bình luận về bộ phim, giữa một bên là bảo vệ hình ảnh nguyên tác và một bên ủng hộ cho cái mới, sự sáng tạo táo bạo…

“Nàng tiên cá” và bài học về tôn trọng khán giả ảnh 2

Một cảnh quay trong phim.

Cho đến khi phim được công chiếu tại Việt Nam, những cuộc tranh cãi này vẫn chưa chấm dứt mà còn bùng nổ mạnh mẽ hơn. Phía ủng hộ bộ phim thì đánh giá cao giọng hát của Halle Bailey, những tư tưởng mới mẻ về nữ quyền mà đạo diễn cài cắm. Phía phản đối thì chỉ trích diễn xuất và vẻ ngoài không phù hợp của diễn viên, đồng thời nhấn mạnh điều quan trọng của phim là diễn xuất chứ không phải là khả năng ca hát.

Ngoài ra, bộ phim còn có những bất hợp lý hoặc sạn đến từ cảnh quay, phục trang, nhân vật phụ, logic câu chuyện hoặc logic trong diễn biến tâm lý nhân vật khiến khán giả quay lưng với bộ phim. Một số cảnh quay không chỉ không đạt kỳ vọng mà còn đem lại phản ứng ngược như cảnh quay Ariel ở mỏm đá, cảnh quay với hoàng tử khi mới lên bờ, cảnh lái tàu đâm vào mụ phù thủy…

Một số khán giả cho rằng, người da màu có văn hóa, câu chuyện và bản sắc riêng cũng rất nhiều màu sắc và hấp dẫn. Vì thế hoàn toàn không nên đặt một diễn viên da màu vào một nhân vật xuất phát từ châu Âu, mang bản sắc văn hóa châu Âu và khoác lên đó chiếc áo chống phân biệt chủng tộc. Nếu như xây dựng một nhân vật nàng tiên cá da màu, mang bản sắc văn hóa da màu, trong một câu chuyện của người da màu..., có thể mọi chuyện đã khác.

Tính đến nay, doanh thu của nàng tiên cá tại Việt Nam đạt khoảng hơn 10,9 tỷ đồng (tương đương với hơn 464 nghìn USD), thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Khán giả tỏ ra thất vọng khi Walt Disney đầu tư lớn vào một bộ phim vốn đã có sẵn khán giả truyền thống, câu chuyện và hướng phát triển nhưng lại tự mình phá bỏ hết tất cả. Cho dù có nhiều luồng dư luận khác nhau, có cả những người bênh vực cho bộ phim nhưng thất bại của phim ở các thị trường châu Á là câu trả lời chính xác nhất của khán giả cho mức độ thành công của một bộ phim từng được kỳ vọng vì dựng theo một huyền thoại.