Nàng tiên cá huyền thoại và sự thật

Ở Việt Nam, bò biển được đưa vào danh sách những loài động vật cần được bảo vệ đặc biệt.
Ở Việt Nam, bò biển được đưa vào danh sách những loài động vật cần được bảo vệ đặc biệt.

Cách đây 20 thế kỷ, nhà khoa học người Ý Pliny, là một trong những người đầu tiên viết về Nàng tiên cá. Trong bộ sách đồ sộ Lịch sử tự nhiên, gồm 37 tập, ông có ghi lại một sự kiện: "Do một đợt thủy triều mạnh mẽ đến khủng khiếp tràn vào đảo, hơn 300 loài sinh vật biển bị hất lên bờ, trong số đó có cả cá voi và... nàng tiên cá". Nếu ông không bị nạn trong một trận núi lửa năm 79 sau Công nguyên, thì có lẽ nàng tiên cá còn được ông nhắc đến nhiều lần.

Cuối thế kỷ 15, nhà khoa học John Smith trong đoàn thám hiểm của Christopher Columbus đã tả nàng tiên cá một cách chi tiết: "Mái tóc của nàng dài và xanh, khuôn mặt nàng không lấy gì hấp dẫn cho lắm!".

Ngày 13-6-1608, con tàu Neville đang hoạt động trên biển, bỗng nhiên thấy trên boong tàu có một sinh vật lạ - nửa người nửa cá! Chuyện có vẻ hoang đường và sau đó trong nhật ký hành trình của con tàu không có thêm một chi tiết nào về "cô gái có chân cá heo".

Vào thế kỷ 18, người ta lại nhắc đến sự có mặt của nàng tiên cá, khi ở vùng nước này, lúc xuất hiện gần đảo hoang nọ. Ðặc biệt nhất là đoàn điều tra của Hoàng gia Ðan Mạch còn ghi một chi tiết lý thú: "Chúng tôi không thấy bóng một nàng tiên cá nào, nhưng... rõ ràng có ông tiên cá, mình không vảy, bóng láng, chân như đuôi cá, và đặc biệt có cả râu!".

Dù thế nào đi nữa, sự tồn tại của nàng tiên cá vẫn là điều nửa tin nửa ngờ. Song câu chuyện đẹp nhất hoặc ly kỳ nhất vẫn là những huyền thoại về nàng tiên cá!

Chuyện kể rằng: "Ngày xửa ngày xưa, các nàng tiên cá là con của Thần biển. Những hôm sóng yên biển lặng các nàng tiên cá rủ nhau lên đảo vắng, vui chơi và thi nhau hát. Khi Thần biển nổi giận, khiến biển khơi dậy sóng. Mọi con thuyền dù to lớn đến mấy cũng bị Thần biển lôi xuống biển sâu. Lúc này chính các nàng tiên cá lại ra tay cứu vớt những con người xấu số, gắng sức dìu họ vào bờ...".

Câu chuyện về nàng tiên cá lý thú hơn cả, được người lớn và trẻ em mê thích, đó là Nàng tiên cá của Andersen. Nghe đâu khi sáng tác truyện này, nhà văn yêu quý của chúng ta rất xúc động, vừa viết vừa khóc. Ai đã qua Ðan Mạch, ít ra cũng một lần ngắm tượng Nàng tiên cá phỏng tác theo truyện của Andersen. Hằng năm Ðan Mạch sản xuất hàng nghìn bức tượng Nàng tiên cá nho nhỏ xinh xinh bán cho du khách nước ngoài làm kỷ niệm. Có bức tượng to như thật với giá từ 50 - 100 euro.

Sự thật về "Nàng tiên cá" mới được công bố vào thế kỷ 20: Ðó là loài động vật có vú, sống ở biển, thường gọi là bò biển, thuộc họ Bò nước. Mình bò biển thon, dài chừng ba đến năm mét, có loài dài tới tám mét, thân phủ lông thưa, môi dày, răng giống như răng trâu bò và có mặt nhai phẳng, mắt nhỏ, chân sau thành vây đuôi rộng nằm ngang, chi trước thành vây bơi nhưng ngón tay vẫn còn di tích của móng guốc, có thể ôm con vào lòng, ngực có một đôi vú. Bò biển ăn rong rêu và các loài cỏ biển, đẻ mỗi lứa một, hai con, nuôi con bằng sữa mẹ, chúng thường nổi lên mặt nước vào ban đêm để cho con bú.

"Nàng tiên cá" hiền lành, sống ở vùng ven bờ, đôi khi giúp ngư dân tránh bão.

Có ba loài "Nàng tiên cá": Loài thứ nhất gặp nhiều ở vùng Hồng Hải - Ðịa Trung Hải. Loài thứ hai gặp nhiều ở Ấn Ðộ Dương - Biển Ðông. Loài thứ ba gặp nhiều ở vùng Australia và New Guinea.

Năm 1898, người ta thấy loài bò biển dài chừng tám mét xuất hiện ở vịnh Hạ Long, sau hơn 20 năm, loài bò biển này bị săn bắt ráo riết để lấy thịt, mỡ, da, đã bị tuyệt chủng. Năm 1960, ngư dân ở vùng biển Nha Trang bắt được một con bò biển dài chừng năm mét.

Và tháng 5 năm 1998, người ta lại gặp bò biển đang nhởn nhơ dưới làn nước trong xanh ở biển Côn Ðảo. Ðó chính là các "Nàng tiên cá" ở nước ta. Với hệ sinh thái cỏ biển phong phú ở Côn Ðảo, các nhà khoa học nước ta và thế giới đều dự đoán đây sẽ là nơi sinh sống và cư trú của bò biển. Sách Ðỏ Việt Nam ghi bò biển vào mục bảo vệ cấp E - gồm những loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, cần được bảo vệ đặc biệt.