Nâng tầm thương hiệu nông sản Quảng Ninh

Kể từ khi Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) được khởi động từ năm 2013, tỉnh Quảng Ninh xác định rõ quan điểm, đây là chương trình phát triển kinh tế quan trọng theo hướng nội sinh, có sự liên kết chặt chẽ, bền vững giữa người sản xuất, chế biến và tiêu thụ, do đó cần có nhận thức đúng đắn, cách làm và bước đi phù hợp.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều sản phẩm nông sản của Quảng Ninh đã có mặt trong các siêu thị và trung tâm thương mại.
Nhiều sản phẩm nông sản của Quảng Ninh đã có mặt trong các siêu thị và trung tâm thương mại.

Chương trình OCOP của Quảng Ninh đã trở thành người bạn đồng hành của người nông dân, góp phần nâng tầm giá trị các sản phẩm truyền thống của địa phương, tạo thêm nhiều việc làm, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, từng bước tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ phát triển ngành du lịch, tạo dựng thương hiệu nông sản riêng có của Quảng Ninh.

Chuẩn hóa sản phẩm OCOP

Tại huyện Bình Liêu, việc chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP được huyện thực hiện đồng bộ, xuyên suốt. Hiện Bình Liêu có 26 sản phẩm OCOP của chín tổ chức, cá nhân, trong đó có 11 sản phẩm đã tham gia Hội thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh và được xếp hạng ba, bốn sao. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Liêu Lê Thị Thu Hương cho biết: “Phòng đã tích cực tham mưu Ủy ban nhân dân huyện ban hành các báo cáo, kế hoạch; xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai sâu rộng tới các tổ chức, cá nhân sản xuất trên địa bàn”.

Huyện Đầm Hà đã chú trọng khai thác thế mạnh địa phương, thay đổi tập quán sản xuất, xây dựng thương hiệu cho nông sản đặc trưng. Đến nay, huyện có 31 sản phẩm OCOP của 21 cơ sở sản xuất; trong đó có năm sản phẩm đạt bốn sao, 11 sản phẩm đạt ba sao. Nhiều sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng như: Gà bản Đầm Hà, dưa lưới Đầm Hà, trứng vịt biển Tân Bình, rượu sim Quý Chuẩn...

Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Trường Sơn Ty Văn Bích cho biết: Nhờ có chương trình OCOP, sản phẩm củ cải Đầm Hà đã được nâng tầm giá trị, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến nhiều hơn, lợi nhuận của hợp tác xã tăng từng năm. Với diện tích gieo trồng khoảng 100ha, mỗi năm đơn vị cung cấp ra thị trường 30 tấn củ cải phên, tám tấn củ cải khô, 15 tấn củ cải ăn liền.

Tại Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh Huy Hoàng ở thị xã Đông Triều, doanh nghiệp tham gia phát triển các sản phẩm rượu chương trình OCOP, trong đợt thi nâng hạng sao cho sản phẩm đã có hai sản phẩm đạt chứng nhận bốn sao là Rượu trà hoa vàng và Rượu dâu tằm; hai sản phẩm đạt ba sao là rượu sâm cau và rượu Huy Hoàng.

Bà Lê Thị Thêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh Huy Hoàng chia sẻ: Với mục tiêu mang lại cho người tiêu dùng các sản phẩm chất lượng nhất, chúng tôi đã đầu tư dây chuyền, công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000. Hợp tác xã không ngừng cải tiến mẫu mã, bao bì, nhãn mác để giới thiệu sản phẩm phục vụ khách trong và ngoài tỉnh, hướng tới xuất khẩu.

Mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản

Để chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP đáp ứng nhu cầu thị trường, tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh theo hướng đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, bảo đảm tiêu chuẩn cao và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu. Cùng với chiến lược thay đổi về công nghệ sản xuất, mẫu mã, tỉnh tiếp tục vận dụng cơ chế, chính sách hiện hành về hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại... để thúc đẩy phát triển sản xuất đối với cá nhân, tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP.

Ông Nịnh Văn Trắng, Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh chia sẻ: Chúng tôi đã tìm tòi, nghiên cứu và đưa sản phẩm trà hoa vàng Ba Chẽ trở thành sản phẩm OCOP. Từ những sản phẩm còn sơ sài, chưa bắt mắt ban đầu, chúng tôi chủ động đầu tư máy móc hiện đại, thay đổi mẫu mã, tạo mã QR, logo thương hiệu, đẩy mạnh tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử... và đưa ra những thay đổi mang tính chiến lược để sản phẩm trà hoa vàng Ba Chẽ tạo được ấn tượng sâu sắc hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Việc kết nối tiêu thụ sản phẩm vào các siêu thị, hệ thống phân phối bán lẻ, được các đơn vị quan tâm, nhất là việc đưa sản phẩm tham gia “Gian hàng trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử uy tín, như Lazada.vn, Shopee.vn, Sendo.vn, tiki.vn, Voso.vn... Quảng Ninh phấn đấu đến hết năm 2025, có khoảng từ tám đến 10 sản phẩm OCOP đạt năm sao cấp quốc gia; 100% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử, hoặc có mã số mã vạch truy xuất nguồn gốc và xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh Nguyễn Minh Sơn cho biết: Các sản phẩm OCOP Quảng Ninh dần tự khẳng định chất lượng và những điểm riêng biệt, chỉ có thể có trong các sản phẩm đặc sản của từng vùng miền và từng bước phát triển theo hướng bền vững và tạo được lòng tin với người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh. Cùng với Chương trình xây dựng nông thôn mới, OCOP đã góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần tạo ra sản phẩm có chất lượng phục vụ du lịch, dịch vụ và đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, mang lại thu nhập cao cho cộng đồng dân cư nông thôn.

Đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh có 566 sản phẩm thuộc sáu nhóm tham gia chương trình OCOP; trong đó, có 336 sản phẩm đạt từ ba đến năm sao (ba sản phẩm đạt năm sao cấp Trung ương, 87 sản phẩm đạt bốn sao và có 246 sản phẩm đạt ba sao). Năm 2022 có 30 tổ chức mới tham gia chương trình OCOP tại 12/13 địa phương, vượt 15 đơn vị so với chỉ tiêu kế hoạch. Đặc biệt, toàn tỉnh có 219 chủ thể sản xuất tham gia chương trình OCOP, với 54 doanh nghiệp, 87 hợp tác xã, 78 hộ sản xuất.