Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Nguyễn Duy Ngọc, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Lê Hoài Trung, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo một số địa phương.
Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm nay có chủ đề "Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam", nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó có quan điểm làm chủ công nghệ và các nhiệm vụ làm chủ công nghệ chiến lược.
Diễn đàn tập trung vào các nội dung: Đánh giá quá trình phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam gắn với việc làm chủ công nghệ số, công nghệ chiến lược, thực hiện nhiệm vụ trọng điểm quốc gia về chuyển đổi số trong giai đoạn vừa qua; những kết quả và thành tựu ấn tượng của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; Định hướng làm chủ công nghệ số, thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sáng tạo, làm chủ quá trình chuyển đổi số quốc gia. Thông điệp về những chính sách mới về công nghiệp công nghệ số (Luật Công nghiệp công nghệ số) và định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam, mở ra không gian phát triển cho doanh nghiệp công nghệ số; Doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam giải các bài toán chuyển đổi số trong các ngành kinh tế, cải thiện năng lực cạnh tranh và tăng cường hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp…
Thống nhất nhận thức và hành động, xác định phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược
Diễn đàn cũng đã thảo luận về những chính sách, giải pháp phát triển công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trong giai đoạn tới để kiến nghị Chính phủ xây dựng thể chế, chính sách đột phá nhằm hỗ trợ, khuyến khích phát triển doanh nghiệp công nghệ số; đề ra việc nghiên cứu, làm chủ công nghệ số giúp đẩy nhanh quá trình thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số, đưa Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới.
Phát biểu tại diễn đàn, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số đã và đang khẳng định vai trò động lực chủ chốt, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội. Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng tất yếu, mà còn là yêu cầu cấp thiết để Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới; chuyển đổi số còn mang tính chiến lược dài hạn, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia và củng cố vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu.
Tổng Bí thư biểu dương cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam về những nỗ lực không ngừng cùng những thành tựu đã đạt được; đánh giá cao sự đóng góp và vai trò của các doanh nghiệp số Việt Nam trong việc tạo ra những sản phẩm, giải pháp đổi mới sáng tạo, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất đến dịch vụ, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số quốc gia, nâng cao chất lượng tăng trưởng và cải thiện đời sống người dân.
Đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ số đang ngày càng lớn mạnh với gần 74.000 doanh nghiệp hoạt động, rất nhiều doanh nghiệp đã vươn ra thị trường quốc tế, Tổng Bí thư khẳng định, đó là tiềm năng lớn trong việc mở rộng thị trường, gia tăng giá trị xuất khẩu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Lực lượng lao động trong ngành ngày càng đông đảo; sản phẩm và dịch vụ đa dạng, bao gồm phần cứng, điện tử, phần mềm và các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và Internet vạn vật..., không chỉ giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước, mà còn mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế, góp phần tích cực vào việc xây dựng nền kinh tế số toàn diện.
Tổng Bí thư Tô Lâm và các doanh nghiệp đoạt Giải sản phẩm công nghệ số "Make in Viet Nam 2024". (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cho rằng, vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục, trong đó có một điểm yếu lớn là năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) hiện vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn lực từ nước ngoài, hạn chế khả năng tự chủ công nghệ của Việt Nam. Khả năng thu hút nhân tài công nghệ cao cũng chưa đủ mạnh, dẫn đến việc thiếu hụt nguồn lực chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp. Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung còn thấp, chỉ tham gia ở mức rất khiêm tốn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hạ tầng số cũng là một thách thức lớn khi nhiều khu vực vẫn chưa được đầu tư đầy đủ…
Nhấn mạnh tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW, Tổng Bí thư đề nghị trong giai đoạn tới, ngành công nghệ và các doanh nghiệp công nghệ số phải nỗ lực tự cường, tự chủ công nghệ và phát triển công nghệ chiến lược, đây là căn cơ để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đặc biệt là các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), chuỗi khối (Blockchain), công nghệ nano, và thông tin di động 5G, 6G... Cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại, có dung lượng lớn, băng thông rộng, đồng bộ và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối toàn quốc và phát triển kinh tế số.
Ngành công nghệ cũng như các doanh nghiệp phải tăng cường chính sách thu hút nhân tài công nghệ cao, xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực nội địa và tạo ra các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu quốc tế. Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái công nghệ số với sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức hỗ trợ. Từng bước hình thành và phát triển các lĩnh vực kinh tế số như Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ số phát triển các giải pháp công nghệ ứng dụng vào quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công, thúc đẩy giao dịch điện tử và tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ thông tin cho người dân.
Tổng Bí thư yêu cầu phải phấn đấu đến năm 2030, đưa Việt Nam vào top 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển công nghệ số; tạo ra ít nhất 5 doanh nghiệp công nghệ số lớn có khả năng cạnh tranh quốc tế. Mỗi doanh nghiệp công nghệ số phải tự đặt ra cho mình mục tiêu phát triển cao, đầy khát vọng và không ngừng nâng cao cả về số lượng và chất lượng nhân lực. Tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới, thu hút thêm các tổ chức nghiên cứu và sản xuất công nghệ số vào Việt Nam. Các doanh nghiệp phải đồng lòng, quyết tâm và có khát vọng mạnh mẽ hơn nữa; cần thấy đây không chỉ là cơ hội, mà là trách nhiệm góp phần hiện thực hóa những mục tiêu lớn lao mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra trong Nghị quyết số 57-NQ/TW, tập trung xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mang tính đột phá, tạo ra giá trị thực sự phục vụ lợi ích của người dân và của nền kinh tế.
Các bộ, ngành và địa phương phối hợp chặt chẽ để khắc phục những hạn chế, bất cập, xây dựng chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiên tiến, đồng thời hoàn thiện hạ tầng số, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghệ số Việt Nam, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích nghiên cứu phát triển, và xây dựng hệ sinh thái công nghệ bền vững.
Tại Diễn đàn, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ công bố và trao Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam năm 2024, tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế, tạo lợi thế cạnh tranh quốc gia và tăng năng suất lao động. Trong khuôn khổ Diễn đàn, có gần 40 gian hàng trưng bày, triển lãm các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số Make in Vietnam do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ công nghệ, làm chủ quá trình chuyển đổi số quốc gia.