Lối đánh thiếu đa dạng, tâm lý không vững vàng, ít được cọ xát quốc tế và kinh phí đầu tư ít, đó là những mặt hạn chế mà bóng bàn đỉnh cao nước ta cần nhanh chóng khắc phục để có thể đua tranh trong khu vực và vươn tầm châu lục.
Ðội tuyển bóng bàn của các nước mạnh trong khu vực và thế giới luôn có những tay vợt có lối đánh đa dạng, cho nên sẽ nhanh chóng thích ứng với mọi đối thủ. Trong khi đó, gần 10 năm qua, đội tuyển bóng bàn Việt Nam gần như không có những tay vợt thiên về lối đánh cắt bóng xa bàn kết hợp đột kích tấn công. Cũng vì vậy, đã có không ít tuyển thủ nước ta như Ðoàn Kiến Quốc, Trần Tuấn Quỳnh, Nguyễn Anh Tú… từng phải gác vợt trước tuyển thủ lão làng Gonzales của Philippines.
Ðiều đó lại tiếp tục xảy ra ở Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân lần thứ 40 năm 2022 vào tháng 7 vừa qua khi tay vợt trẻ 18 tuổi Bùi Hữu Huy của đội Hải Dương đã trở thành hiện tượng với lối đánh mang phong cách như của lão tướng Gonzales và bất ngờ hạ thuyết phục tuyển thủ trụ cột của đội Hà Nội và của đội tuyển quốc gia là Nguyễn Anh Tú ở vòng tứ kết nội dung đơn nam. Còn ở SEA Games 31 trong tháng 5 vừa qua, cũng ở Hải Dương, quán quân đơn nam Nguyễn Ðức Tuân, do đã quen và thích ứng với lối đánh như vậy của đàn em Bùi Hữu Huy ở cùng câu lạc bộ, cho nên giành chiến thắng khá dễ dàng trước lão tướng của Philippines.
Từ thực tế nêu trên, lãnh đạo Tổng cục và Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam cũng nên phối hợp các địa phương có vận động viên tham gia đội tuyển bóng bàn để huy động các nguồn kinh phí hỗ trợ cho đội tuyển nước ta dự các giải quốc tế và tập huấn dài hạn ở Trung Quốc.
Ðiều quan trọng nhất đối với các tuyển thủ Việt Nam là được thi đấu ở đẳng cấp cao tại các giải khu vực và châu lục, giúp các tuyển thủ trẻ Việt Nam ngày càng tự tin hơn khi đối đầu với đối thủ của Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia…
Có một vấn đề là tâm lý của các tay vợt trẻ nước ta thường thi đấu không ổn định, thiếu tự tin và dễ bị trạng thái căng cứng khi gặp các đối thủ nước ngoài hoặc với các tay vợt đàn anh, dày dạn kinh nghiệm. Nếu đầu tư tốt và quan tâm khắc phục những vấn đề đã đề cập, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào lực lượng bóng bàn trẻ nam có thể kế thừa các đàn anh khi và không hề thua kém các đối thủ cùng trang lứa trong khu vực.
Về lực lượng bóng bàn nữ hiện nay, Tổng cục Thể dục Thể thao và Liên đoàn Bóng bàn nên dành ưu tiên cho các tay vợt không quá 20 tuổi để ban huấn luyện có đủ thời gian bồi dưỡng, nâng cấp và cải thiện thêm lối đánh của họ để theo kịp sự tiến bộ của các tuyển thủ Thái Lan và Singapore. Ngoài ra, những huấn luyện viên và vận động viên kỳ cựu có trình độ và nhiều tâm huyết như Ngô Thu Thủy hay Mai Hoàng Mỹ Trang... cần được tin tưởng giao trách nhiệm đảm đương huấn luyện cho đội tuyển nữ.
Với kinh nghiệm thực tế và nhiều lợi thế khác, chắc chắn họ sẽ giúp đỡ cho các tuyển thủ nữ trẻ tốt hơn so với các huấn luyện viên nam cả về trình độ chuyên môn lẫn tâm lý. Cũng giống như các tuyển thủ nam trẻ, các tay vợt nữ trẻ cũng cần được ưu tiên tạo điều kiện dự thi đấu ở các giải quốc tế diễn ra trong nước và nước ngoài. Từ đó, họ sẽ được cọ xát, tích lũy được kinh nghiệm khi đối đầu trực tiếp với các tay vợt nước ngoài. Ðây là hướng đi mà đội tuyển bóng bàn nữ Thái Lan đã áp dụng khi đầu tư cho các tay vợt nữ thiếu niên và hiện tại họ đang có một lực lượng trẻ rất mạnh đủ sức đối đầu với các tuyển thủ Singapore (gốc Trung Quốc).
Về lâu dài, chúng ta nên học tập cách mà các cường quốc bóng bàn vẫn làm là cử các huấn luyện viên trẻ ở những trung tâm bóng bàn mạnh đi tập huấn ở các nước có nền bóng bàn phát triển, nhất là tại Trung Quốc để tiếp thu kỹ thuật cũng như những phương pháp huấn luyện hiện đại, hiệu quả.