Năng suất lao động cải thiện nhưng vẫn thấp so với khu vực

NDO -

NDĐT - Sáng 28-12, Tổng cục Thống kê cho biết, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã có sự cải thiện đáng kể, nhưng còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Nếu không nhanh chóng nâng cao năng suất, chất lượng lao động và sản phẩm, Việt Nam có thể mất lợi thế ngay trên sân nhà.

Năng suất lao động bình quân trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt thấp nhất với 32,9 triệu đồng/lao động.
Năng suất lao động bình quân trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt thấp nhất với 32,9 triệu đồng/lao động.

Năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế năm 2016 theo giá hiện hành ước tính đạt 84,5 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 3853 USD/lao động). Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2016 ước tính tăng 5,31% so với năm 2015. Theo khu vực kinh tế, năng suất lao động bình quân trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt thấp nhất với 32,9 triệu đồng/lao động; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 112 triệu đồng/lao động; khu vực dịch vụ đạt 103,5 triệu đồng/lao động.

Mặc dù năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, nhưng còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Năm 2015, năng suất lao động của Việt Nam theo giá hiện hành đạt 3.660 USD, chỉ bằng 4,4% của Singapore; 17,4% của Malaysia; 35,2% của Thái Lan; 48,5% của Philippines và 48,8% của Indonesia.

Theo Viện năng suất Việt Nam, ba yếu tố đóng góp vào tăng giá trị gia tăng gồm: tăng vốn; tăng lao động; tăng năng suất yếu tố tổng hợp (TFP). Các ngành có đóng góp vào tăng TFP là điện, điện tử-tin học, đạt 40%, ngành cơ khí chế tạo, đạt 37% và ngành da giày là 35%.

Tại hội nghị "Thúc đẩy cải tiến, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa" tổ chức mới đây, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công thương cho biết, nếu so sánh năng suất lao động cụ thể của từng công nhân Việt Nam so với các nước lân cận thì chúng ta không thua kém, nhưng năng suất lao động tổng hợp thì của Việt Nam đang thấp hơn nhiều nước. Ông Nguyễn Phú Cường nói: “doanh nghiệp của ta sản xuất một triệu sản phẩm một năm thì cần phải đến một nghìn lao động. Nhưng một doanh nghiệp tương tự của nước ngoài sản xuất một lượng sản phẩm như vậy thì họ chỉ cần 300 lao động thì rõ ràng suất đầu tư trên một đầu lao động cũng như giá trị sản xuất hàng hóa của một đầu người của họ là rất cao so với chúng ta”.

Theo ông Nguyễn Phú Cường, kết quả tính toán năng suất của các ngành công nghiệp do Bộ Công thương thực hiện cho thấy, những ngành công nghiệp có năng suất lao động cao gồm: năng lượng, thép, hóa chất (từ 450 triệu đến hơn một tỷ đồng/người/năm). Nhóm ngành có năng suất lao động thấp là dệt may, da giày.

Tuy nhiên, ông Cường chỉ rõ: “năng suất cao ở các nhóm ngành trên chủ yếu dựa vào lợi thế khai thác tài nguyên sẵn có và gia tăng đầu tư. Tăng năng suất nhờ đóng góp của đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học, phương thức quản lý hiện đại trong các ngành còn hạn chế. Điều này thể hiện rõ nét ở chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng và mức độ đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp trong các ngành giai đoạn 2011-2015 luôn duy trì ở mức thấp”. Nếu không nhanh chóng nâng cao năng suất, chất lượng lao động và sản phẩm, Việt Nam có thể mất lợi thế ngay trên sân nhà.