Liệu giá dầu thô có thể giữ vững mức 100 USD?

NDO -

Từ đầu năm đến nay, giá dầu đã tăng gần 30% và vẫn luôn neo ở những vùng giá cao do chịu ảnh hưởng của nhiều biến động về kinh tế, chính trị trên thế giới. Việc giá dầu ở trên mức 100 USD/thùng là mối bận tâm hàng đầu đối với những nhà hoạch định chính sách, bởi dầu thô vốn là nguyên liệu đầu vào quan trọng và ảnh hưởng rất nhiều đến lạm phát của bất kỳ quốc gia nào.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Trong vòng 1 tháng trở lại đây, giá dầu đã 2 lần đánh mất mốc 100 USD, và điều này khiến cho các nhà đầu tư đặt ra câu hỏi, liệu rằng giá dầu đang ở trong giai đoạn điều chỉnh trong ngắn hạn, hay thực sự thị trường dầu thô đã hạ nhiệt. 

Tâm điểm vẫn xoay quanh cán cân cung-cầu

Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/4, giá dầu thô WTI giảm 0,2% về 96,03 USD/thùng, giá dầu thô Brent đóng cửa thấp hơn 0,5% về 100,6 USD/thùng, khiến cho chỉ số MXV-Index Năng lượng giảm 0,5% còn 4.690,8 điểm. Tuy đã giảm hơn 20% so thời điểm 1 tháng trước đây, nhưng dầu thô vẫn là mặt hàng được ưa chuộng nhất trên Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), với khối lượng giao dịch vẫn chiếm 50% và duy trì hơn 2.000 tỷ đồng.

Liệu giá dầu thô có thể giữ vững mức 100 USD? -0

Lo ngại về thiếu hụt nguồn cung là nguyên nhân chính thúc đẩy đà tăng của giá dầu thô kéo dài từ tháng 11/2021 đến nay, nên khi áp lực này phần nào được giải tỏa, sức mua trên thị trường dầu thô cũng đã giảm đáng kể. Những căng thẳng địa chính trị ở khu vực Biển Đen khiến cho rất nhiều quốc gia và tổ chức lớn phải vào cuộc để tiến hành hạ nhiệt giá dầu.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+) hiện đã thống nhất nâng sản lượng mục tiêu lên 432.000 thùng/ngày trong tháng 5. Tuy nhiên, mức gia tăng này không đủ để bù đắp phần thiếu hụt sản lượng từ Nga, nên Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định giải phóng 180 triệu thùng dầu trong 180 ngày từ kho dự trữ chiến lược (SPR) của Mỹ nhằm bù đắp cho thị trường. Mới đây nhất, ngày 6/4 các thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết sẽ phối hợp Mỹ để giải phóng tổng cộng 240 triệu thùng dầu ra thị trường. 

Kết hợp với khoảng 60 triệu thùng mà IEA đã cam kết sẽ giải phóng cho thị trường từ tháng trước, tổng số 300 triệu thùng dầu này tương đương với mức bổ sung gần 1,7 triệu thùng/ngày cho thị trường trong vòng nửa năm. Những động thái này đã giúp thị trường giảm được sức ép nguồn cung bị gián đoạn do các biện pháp trừng phạt đối với Nga.  

Bên cạnh việc gia tăng nguồn cung, sự sụt giảm trong nhu cầu tiêu thụ cũng là một yếu tố khác khiến cho giá dầu rớt về vùng giá có 2 chữ số. Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, vẫn đang “gồng mình” để chống chọi với đợt bùng phát đại dịch Covid-19 mới nhất bằng các biện pháp hạn chế đi lại và phong tỏa. Điều này sẽ khiến cho nhu cầu tiêu thụ dầu thô của Trung Quốc giảm khoảng 450.000 thùng mỗi ngày. 

Nhân tố điều tiết gián tiếp gọi tên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED)

Nếu như các tổ chức then chốt của thị trường dầu thô như: OPEC+, IEA, EIA (Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ) có thể trực tiếp tác động lên giá dầu thông qua việc thay đổi nguồn cung của thị trường, thì FED có thể gây sức ép đối lên thị trường dầu thô bằng việc thay đổi chính sách tiền tệ.

Quy mô tổng tài sản của FED đã tăng lên gần 9.000 tỷ USD, gấp đôi so thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát từ tháng 3/2020. Đây là kết quả của chính sách nới lỏng định lượng mà FED áp dụng để hỗ trợ thị trường. Dòng tiền rẻ giúp cho các thị trường tài chính tăng trưởng, tuy nhiên cũng phần nào khiến Mỹ đối mặt với áp lực lạm phát tăng lên mức cao nhất trong vòng 4 thập kỷ. 

Liệu giá dầu thô có thể giữ vững mức 100 USD? -0

Trong biên bản cuộc họp mới được công bố của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang, các nhà chức trách đã đồng thuận với kế hoạch cắt giảm bảng cân đối kế toán ở mức 95 tỷ USD mỗi tháng và sẵn sàng tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong kỳ họp tháng 5 sắp tới. Đây là được đánh giá là bước đi nhằm ngăn chặn lạm phát tăng quá nóng.

Động thái cắt giảm nguồn cung tiền này sẽ khiến cho dòng tiền đầu tư vào thị trường dầu thô bị giảm bớt. Bên cạnh đó, việc FED mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ không chỉ tạo ra khả năng làm giảm tốc độ tăng trưởng của Mỹ mà còn tác động đến thế giới. Những hoạt động sản xuất kinh doanh suy yếu sẽ khiến cho nhu cầu tiêu thụ giảm bớt và gây sức ép lên giá dầu thô.