Năng lượng mặt trời lên ngôi

Trong bối cảnh thế giới đang đau đầu với cuộc khủng hoảng năng lượng và các cam kết chống biến đổi khí hậu, điện mặt trời được nhiều quốc gia ưu tiên đầu tư phát triển với chi phí không còn quá cao. Nguồn năng lượng sạch này sẽ là tương lai của năng lượng toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Một nhà máy năng lượng mặt trời ở Santiago, Chile. Ảnh: AFP/TTXVN.
Một nhà máy năng lượng mặt trời ở Santiago, Chile. Ảnh: AFP/TTXVN.

Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), các loại năng lượng sạch như điện mặt trời và điện gió sẽ phát triển mạnh và trở nên phổ biến trong thập kỷ này khi thế giới nỗ lực đạt mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nhằm khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,50C so thời kỳ tiền công nghiệp. Hơn nữa, chi phí đầu tư vào công nghệ này không còn ở ngưỡng “trên trời” như thời gian trước.

Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết, chi phí cho một đơn vị pin mặt trời đã giảm 85% giai đoạn 2010-2019, trong khi năng lượng gió giảm 55%. IPCC cho biết, các công nghệ năng lượng quy mô nhỏ như pin mặt trời hay các loại pin đến nay đều chứng tỏ được sự phát triển và thích nghi nhanh hơn các công nghệ cồng kềnh và đầy rủi ro như năng lượng hạt nhân.

Chuyên gia tại Đại học Wisconsin-Madison, Giáo sư Gregory Nemet cho biết, năng lượng mặt trời là cách thức phát điện rẻ nhất từ trước tới nay. Theo ông Gregory Nemet, riêng năng lượng mặt trời có thể đóng góp một nửa lượng điện toàn cầu vào giữa thế kỷ này.

Giới chuyên gia hy vọng, giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao và những lo ngại về an ninh năng lượng do cuộc khủng hoảng tại Ukraine sẽ thúc đẩy vai trò của năng lượng tái tạo, nhất là sau khi Mỹ thông qua luật khí hậu đầy tham vọng ngày 7/8, theo đó sẽ tiết kiệm 370 tỷ USD trong các nỗ lực nhằm giảm 40% khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Một phân tích của các chuyên gia Đại học Princeton ước tính, đạo luật nêu trên của Mỹ có thể giúp tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng mặt trời lên gấp năm lần vào năm 2025 so năm 2020.

Trong một báo cáo gần đây, IEA cho biết, các tấm pin mặt trời mới cho thấy hiệu quả tăng hơn 20% trong việc chuyển ánh sáng thành năng lượng so các module tiêu chuẩn được lắp đặt cách đây 4-5 năm. Các tấm pin bằng vật liệu mới hoặc vật liệu lai được giới chuyên gia dự báo có thể đạt hiệu quả rất cao trong việc tạo ra điện.

Những vật liệu này bao gồm các công nghệ phim mỏng siêu nhẹ, rẻ và hiệu quả, như sử dụng khoáng chất perophit có thể in được từ mực. Trong một nghiên cứu công bố trên báo Science vào tháng 4 vừa qua, các nhà khoa học cho biết, việc thêm các vật liệu có chứa kim loại vào các tấm perophit giúp chúng ổn định hơn với hiệu quả không kém các mẫu silicon truyền thống.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Stanford cho biết, họ đã sản xuất được một tấm pin mặt trời có thể tạo năng lượng cả vào ban đêm, bằng việc sử dụng hơi nóng bốc lên từ mặt đất. Viện Nghiên cứu điện năng cho biết, một thiết kế nhằm tăng hiệu quả phát điện đang ngày càng phổ biến trong các dự án quy mô lớn là tấm pin mặt trời hai chiều. Loại này hấp thu năng lượng không chỉ trực tiếp từ tia nắng mà cả từ các tia sáng được phản chiếu dưới mặt đất.

Ấn Độ là quốc gia tiên phong trong sử dụng pin mặt trời trên các con kênh từ cách đây một thập kỷ, giúp giảm sự bốc hơi khi phát điện. Các nhà khoa học tại California cho biết, nếu bang nắng nóng này của Mỹ cũng sử dụng pin mặt trời bao phủ các con kênh sẽ giữ được khoảng 63 tỷ gallon nước khỏi bốc hơi. Không nằm ngoài xu thế, Colombia vừa khánh thành nhà máy năng lượng mặt trời La Loma, dự án quang điện lớn nhất tại quốc gia Nam Mỹ với công suất thiết kế hơn 180 MW.

Nhà máy La Loma có vốn đầu tư 126 triệu USD, gồm hơn 400.000 tấm pin năng lượng mặt trời, được kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể cho lưới điện quốc gia, tạo hàng trăm việc làm tại vùng nông thôn phía bắc El Paso. Với nhà máy điện mặt trời này, Colombia khẳng định lại quyết tâm giảm 51% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2050.

Trước thực trạng các mô hình sản xuất năng lượng đều có điểm mạnh và điểm yếu, trong đó điểm trừ của điện hạt nhân là rủi ro cao và công nghệ đắt đỏ; điện than là ô nhiễm môi trường và tiếng ồn; thủy điện là làm thay đổi môi trường thủy sinh; rõ ràng, điện mặt trời không thể phủ nhận là xu hướng tương lai của nhân loại. Tuy nhiên, ngoài việc tận dụng các ưu việt nổi trội về công nghệ, môi trường từ điện mặt trời, các quốc gia cũng cần sớm tính cách giải quyết nguy cơ ô nhiễm môi trường từ rác thải pin năng lượng mặt trời trong thời gian tới.