Bị động với lịch cắt điện
Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thiết bị điện MBT (Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, hoạt động của công ty bị đảo lộn khi mấy ngày qua xưởng sản xuất bị cắt điện liên tục, từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều.
“Mọi năm cao điểm nắng nóng, ngành điện đều báo trước khoảng hai ngày để DN chuẩn bị phương án, nhưng năm nay chỉ báo trước hai giờ đồng hồ, công ty trở tay không kịp. Có hôm chúng tôi phải cho công nhân nghỉ ngày, làm đêm để kịp đơn hàng. Nhưng cũng có hôm phải buộc chạy máy phát cho một số công đoạn sản xuất vì đã vào guồng không ngừng được”, ông Nam nói.
Chủ DN băn khoăn: Cao điểm hè vẫn còn tháng 6 và tháng 7, nếu việc cắt điện không được tính toán lại, các công ty buộc phải tính chuyện mua máy phát điện cả trăm triệu đồng để dự phòng. Mỗi tháng MBT phải chi trả từ 200 - 300 triệu đồng tiền điện cho sản xuất. Việc mất điện ảnh hưởng rất nhiều đến sản lượng, thời gian giao hàng. Do đó, công ty có thể đối diện với nguy cơ bị phạt chậm đơn hàng, thậm chí mất đơn hàng.
Để ứng phó với tình trạng thiếu điện, trước mắt các DN sản xuất, dịch vụ tập trung vào cắt giảm, tiết kiệm năng lượng, sắp xếp lại sản xuất cũng như tìm sự chia sẻ từ các bạn hàng.
Ông Nguyễn Thành Luật, Giám đốc Công ty CP Thương mại và phát triển công nghệ PMA chia sẻ với báo chí: Để thích nghi với tình trạng này, công ty đã phải cắt giảm công suất sản xuất. Cụ thể, trước đây nếu như dây chuyền sản xuất chạy hết công suất có thể vượt quá sản lượng lên tới 120%, nhưng từ đầu tháng 6 đến nay công ty chỉ dám nhận đơn hàng khoảng 80%, do máy móc không thể vận hành tối ưu vì lượng điện không đủ.
Một số DN cho rằng đang rất khó ứng phó với việc cắt điện. DN đầu tư máy phát điện thì chi phí, khấu hao lớn, bởi thời gian sử dụng ít, không phù hợp. Nếu đầu tư năng lượng tái tạo, cụ thể điện mặt trời thì không được bán lên hệ thống điện, mà chỉ tự sản tự tiêu cũng dẫn tới tốn kém, đầu tư không hiệu quả. Nhưng nhiều DN cũng phải tính đến phương án tự đầu tư năng lượng tái tạo để có thể đáp ứng kế hoạch sản xuất, kịp tiến độ giao hàng. Điều này làm tăng giá bán sản phẩm, giảm sức cạnh tranh.
Ngoài ra, một số DN áp dụng phương án xếp ca kíp luân phiên, cắt giảm một số khâu từ máy móc sang làm thủ công, song cũng chỉ khắc phục được phần nào khó khăn từ mất điện.
Theo phản ánh của các DN trong ngành logistics, thời gian vừa qua đã xảy ra tình trạng mất điện do sự cố, cắt điện luân phiên thường xuyên tại khu vực Hải Phòng. Đặc biệt, hoạt động khai thác cảng, với đặc thù phải luôn luôn bảo đảm cam kết năng lực phục vụ 24/7 cho tất cả các khách hàng, hãng tàu, DN xuất nhập khẩu trong và ngoài nước, duy trì thông suốt toàn bộ chuỗi cung ứng - mạch máu của nền kinh tế… Việc cắt điện đã gây nhiều khó khăn cho các cảng, tiềm ẩn rủi ro DN phải đền bù thiệt hại cho số ngày tàu nằm chờ tại cảng, làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng dịch vụ, xuống cấp trang thiết bị, ảnh hưởng đến an toàn lao động và đặc biệt là nguy cơ bị mất khách hàng…
Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam, Hiệp hội Đại lý, môi giới và dịch vụ Hàng hải Việt Nam, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam kiến nghị trong ngắn hạn hệ thống lưới điện thành phố và quốc gia cần có các nguồn điện dự phòng, xem xét điều phối lại nguồn điện cho từng khu vực, ngành nghề một cách phù hợp, trong đó đặc biệt ưu tiên bảo đảm cung ứng điện cho các cảng luôn trong tình trạng sẵn sàng, liên tục 24/7.
Đối với trường hợp mất điện do sự cố bất khả kháng, các hiệp hội này đề nghị EVN và các đơn vị điện lực phía bắc trong thời hạn 24 giờ cần thông báo cho các cảng (bên mua điện) biết nguyên nhân, dự kiến thời gian cấp điện trở lại và đồng thời, có văn bản giải trình gửi các cảng trong vòng
8 giờ đồng hồ, ngay sau thời điểm khắc phục xong sự cố vì đây là cơ sở quan trọng để cảng thu xếp thông báo, giải trình, phối hợp làm việc với các khách hàng, hãng tàu.
Đối với trường hợp bắt buộc phải cắt điện nhưng không vì lý do khẩn cấp, cắt điện luân phiên, cắt điện để bảo trì, bảo dưỡng lưới điện, các hiệp hội kiến nghị cần có kế hoạch cụ thể, gửi cho các cảng (bên mua điện) trước thời điểm ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện ít nhất 5 ngày bằng cách thông báo trong ba ngày liên tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng và/hoặc gửi văn bản (ưu tiên) cho cảng theo quy định của Điều 27, Luật Điện lực.
Nhiều hộ kinh doanh sử dụng máy phát để chủ động trước tình trạng thiếu điện. Ảnh: SONG ANH |
Cần DN chung tay tiết kiệm điện, sử dụng điện hiệu quả
Việc bổ sung nguồn điện mới chưa thể thực hiện trong một sớm một chiều, cho nên trước mắt, ông Đặng Hải Dũng, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công thương cho rằng các cơ sở sản xuất cũng cần tiết kiệm điện.
“UBND là nơi quản lý trực tiếp các DN sản xuất thông qua Sở Công thương, khi có sự chung tay phối hợp giữa địa phương và T.Ư thì hiệu quả chương trình tiết kiệm điện sẽ cao”, ông Đặng Hải Dũng nói.
Đề cập chương trình điều chỉnh phụ tải (DR), đại diện Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng đánh giá đây là giải pháp quan trọng trong việc giảm sử dụng điện giờ cao điểm, rất cần sự chung tay của các DN.
Ông Đặng Hải Dũng cho rằng: Làm sao kiểm soát được đồ thị phụ tải, giảm sử dụng điện trong giờ cao điểm trưa, chiều, 6-8h tối. Nếu các DN dịch chuyển giờ sản xuất từ cao điểm sang giờ thấp điểm thì sẽ hữu ích cho toàn hệ thống điện. Một số DN rất mong muốn tham gia Chương trình điều chỉnh phụ tải điện để giảm chi phí điện năng. Tuy nhiên, với một số ngành đặc thù như dịch vụ, đơn cử lĩnh vực khách sạn, việc cắt giảm phụ tải khó hơn do liên quan tiện nghi của khách sạn. Còn với cơ sở sản xuất, việc chuyển ca làm việc bảo đảm phụ tải điện rơi vào thấp điểm mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn.
Ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, các DN sản xuất công nghiệp nói chung và DN sử dụng năng lượng trọng điểm nói riêng hầu hết đều đã có những nhận thức về các chủ trương, quy định của Nhà nước trong việc tiết kiệm năng lượng, nhưng việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm và hiệu quả việc tiết kiệm điện tại DN còn hạn chế.
Ông Nguyên chia sẻ: Nguyên nhân xuất phát từ nhiều yếu tố như: Thiếu nguồn lực cán bộ quản lý năng lượng, nguồn lực tài chính để đầu tư các giải pháp,… Mặt khác, qua quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân không kém phần quan trọng là do giá bán điện của Việt Nam còn thấp so với các nước trên thế giới, đặc biệt là giá bán điện trong khối sản xuất công nghiệp. Đây là cơ chế, chính sách của Nhà nước nhằm khuyến khích các DN sản xuất, nhưng cũng là lý do khiến nhiều DN chưa mặn mà khi phải bỏ ra nguồn kinh phí lớn để đầu tư vào các dây chuyền sản xuất hiệu suất cao.
Ông Trần Đình Long, chuyên gia điện lực cũng đánh giá cao giải pháp quản lý nhu cầu sử dụng điện, bởi chúng ta mới chỉ quan tâm việc tăng nguồn điện, tăng khả năng cung ứng để bảo đảm cung cầu. Còn khía cạnh quản lý nhu cầu sử dụng điện chưa được tốt. “Điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ chính sách của Nhà nước, đến ý thức của người sử dụng điện. Nếu mỗi một khách hàng sử dụng điện có ý thức quản lý nhu cầu của mình thì nhu cầu sẽ được khống chế và điều khiển ở mức hợp lý. Họ có thể sắp xếp những ca kíp sản xuất, thay vì sử dụng điện nhiều vào các giờ cao điểm thì chuyển sang giờ thấp điểm, hoặc những múi giờ bình thường”, ông Long khuyến nghị.