1/ Tổng công ty điện lực một số tỉnh, thành phố đã thông báo lịch cắt điện những ngày vừa qua với lý giải nhiều khu vực phụ tải lớn cần được bảo trì hoặc luân phiên cắt giảm để bảo đảm an toàn điện lưới. Dù vậy, nhiều khu vực ở Hà Nội, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh xuất hiện tình trạng mất điện nhiều tiếng đồng hồ, gây xáo trộn sinh hoạt của người dân cũng như sản xuất, kinh doanh.
Tại Hà Nội, tình trạng cắt điện để bảo trì diễn ra ở một số địa điểm thuộc các huyện như Thanh Oai, Quốc Oai, Mỹ Đức, Hoài Đức, Thường Tín… Trước đó, tình trạng này cũng diễn ra tại các quận, huyện Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Sóc Sơn, Mê Linh, thị xã Sơn Tây. Tại quận Hoàng Mai, một phần phường Giáp Bát tạm ngưng cấp điện liên tiếp hai ngày. Tại quận Long Biên, nhiều tổ dân phố tại các phường Thạch Bàn bị cắt điện từ sáng tới giữa chiều. Chị Nguyễn Thị Hằng ở phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai than thở về lịch cắt điện khiến gia đình chị cũng như dân cư của khu phố bị ảnh hưởng sinh hoạt. “Cả nhà tôi dậy từ sớm vì điều hòa ngưng chạy, nấu cơm cũng chuyển sang nồi gang để nấu bếp gas. Nhiều nhà hàng xóm đun nấu bằng bếp từ phải ra ngoài hàng quán ăn vì không có điện để nấu”, chị nói.
Cắt điện cũng khiến công việc sản xuất, kinh doanh bị thiệt hại lớn về kinh tế. Đứng ngồi không yên vì lịch cắt điện luân phiên dày đặc, nhiều trang trại chăn nuôi ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đang bị đội chi phí thêm mỗi ngày vì tiền dầu chạy máy phát điện. Anh Tâm, chủ một trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng cho biết, nhiệt độ chuồng nuôi rất quan trọng, luôn luôn phải duy trì từ 28-30oC. Nếu mất điện quá nửa tiếng là cả đàn gà không sống nổi. Tuy nhiên, từ đầu mùa nóng đến nay, tại địa phương của anh liên tục cắt điện luân phiên, cách ngày sẽ cắt điện nên anh phải đầu tư mua dàn máy phát điện để không ảnh hưởng sản xuất. “Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá trứng rẻ, lại thêm giá dầu chạy máy phát… Trung bình mỗi ngày trang trại của tôi phải bù lỗ khá nhiều. Nếu tình hình không cải thiện, tôi sẽ khó duy trì được lâu”, anh nói.
2/ Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho biết, đã ghi nhận lượng điện tiêu thụ ở mức cao liên tiếp các ngày qua nên một số đường dây, trạm biến áp vận hành bị quá tải ở một số thời điểm. Các lịch tạm ngừng cấp điện trên địa bàn thành phố là để phục vụ công tác bảo trì, bảo dưỡng, cải tạo hệ thống lưới điện nhằm bảo đảm vận hành cung ứng điện được an toàn, ổn định.
Ngày 10/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với lãnh đạo Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), một số bộ, ngành liên quan để triển khai thực hiện một trong những mục tiêu của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII). Đó là phấn đấu đến năm 2030, có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Phó Thủ tướng nêu rõ, điện năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo chưa được quy định trong các văn bản luật, nghị định nên cần có các cơ chế năng động, sáng tạo trong thực hiện thí điểm. Nhiệm vụ trước mắt là cần có ngay cơ chế, chính sách khắc phục những bất cập, hạn chế trong Quyết định 13/2020/QĐ-TTg; đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ mang tính đột phá, thúc đẩy phát triển điện mặt trời.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương tiếp thu, kế thừa, điều chỉnh quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về quy mô, phạm vi, công suất… để tránh tình trạng các cơ sở sản xuất điện mặt trời kinh doanh lợi dụng chính sách ưu đãi dành cho điện mặt trời mái nhà; làm rõ và đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của các bộ: Công thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công an… xây dựng khung giá phù hợp đối với lượng điện mặt trời mái nhà phát lên lưới. Phó Thủ tướng yêu cầu, trong tháng 6 này, Bộ Công thương, EVN nghiên cứu, hướng dẫn hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền các cơ chế chính sách đồng bộ, phù hợp với quy định của pháp luật để triển khai điện mặt trời mái nhà phục vụ mục đích tự sản, tự tiêu, bảo đảm hiệu quả, góp phần giảm khó khăn cung ứng điện trong thời gian tới.