Về ý thức của người nuôi thú cưng

Mới đây, tại một chung cư ở Quận 7, người đàn ông dẫn con trai vào sảnh tầng 1 chung cư để đợi thang máy thì một con chó không có người dắt, không dây xích, không rọ mõm liên tục tiến lại gần.
0:00 / 0:00
0:00

Thấy con trai của mình có thể gặp nguy hiểm, người đàn ông dùng chân đẩy con chó ra liền bị chủ con chó lao đến hành hung, rồi tiếp tục có lời lẽ đe dọa… Nạn nhân đã trình báo sự việc đến công an phường rồi đi cấp cứu tại bệnh viện. Sau đó, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các cơ quan và đơn vị chức năng xử lý nghiêm chủ chó đánh người.

Hành vi bạo lực của chủ chó đã gây không ít bức xúc, phẫn nộ trong dư luận. Sự việc này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng nuôi, thả rông thú cưng (chó, mèo…) gây nhiều hệ lụy, nguy hiểm cho con người trong các khu dân cư. Thú cưng phóng uế bừa bãi trong khu dân cư, đường phố hoặc công viên cũng như chuyện thú cưng gây thương tích cho con người đã và đang diễn ra khá phổ biến.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), toàn thành phố hiện có khoảng 180.000 con chó, mèo đang được nuôi tại hơn 101.000 hộ dân, phần lớn là chó. Theo Chi cục, dù quy định pháp luật đã đầy đủ nhưng hiện vẫn còn tình trạng để chó, mèo ra đường không rọ mõm, không dây xích, không người dắt, không đăng ký đầy đủ với chính quyền địa phương. Rõ ràng, chó, mèo… không có lỗi mà nguyên nhân cơ bản là do ý thức và trách nhiệm của một số người dân nuôi thú cưng chưa cao. Cùng với đó, lực lượng nhân sự của chính quyền cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, xử lý thú cưng thả rông, nên chưa tạo được sự răn đe đủ mức cần thiết. Ngoài ra, hiện nước ta chưa có quy định pháp luật riêng về việc nuôi thú cưng nguy hiểm như ở nhiều quốc gia mà chỉ có quy định chung về quản lý chó, mèo nuôi. Không những vậy, những năm gần đây, không ít người dân có sở thích nuôi "chó chiến" (các loài chó như Pitbull, Berger, ngao Tây Tạng…) nhưng lại quản lý lỏng lẻo, dẫn đến thú cưng gây thương tích cho người, khiến người dân lo lắng, bất an, dư luận bức xúc.

Theo các chuyên gia pháp luật, hiện hành lang pháp lý để xử lý những hành vi thả rông thú cưng gây nguy hiểm đã có, đó là Nghị định số 90/2017/NÐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y (do Chính phủ ban hành ngày 31/7/2017). Trong đó, Ðiểm b, khoản 2, Ðiều 7 của Nghị định quy định rất rõ việc xử phạt số tiền 700.000 đồng đối với hành vi không tiêm phòng vắc-xin bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; phạt 700.000 đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó đến nơi công cộng… Ủy ban nhân dân phường, xã là nơi tiếp nhận thông tin bức xúc của người dân về vật nuôi, và chủ tịch ủy ban nhân dân phường, xã có thẩm quyền, trách nhiệm xử phạt đối với những hành vi sai phạm nêu trên. Như vậy, dễ thấy rằng, cùng với ý thức của người dân nuôi thú cưng, việc xử lý nghiêm hành vi vi phạm của chủ nuôi sẽ góp phần đáng kể giải quyết những phiền phức, rắc rối cũng như hiểm họa do thú cưng gây ra. Do đó, trước hết, chính quyền cơ sở cần giải quyết, xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cũng cần nghiên cứu và áp dụng thêm những biện pháp, chế tài khác đủ mạnh; hoặc có thể vận dụng hình thức phạt nguội...