Nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng Pháp ngữ ở châu Á-Thái Bình Dương

NDO - Được đánh giá là lá cờ đầu của cộng đồng Pháp ngữ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong suốt 25 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực cùng các quốc gia thành viên khác tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các giai đoạn phát triển khác nhau của cộng đồng Pháp ngữ, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của cộng đồng trong một khu vực phát triển năng động bậc nhất trên thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: TRUNG HƯNG)
Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Sáng 7/12, tại Hà Nội, Hội thảo quốc tế “Động lực mới cho Pháp ngữ ở châu Á-Thái Bình Dương" đã khai mạc tại Học viện Ngoại giao. Hội thảo do Học viện Ngoại giao Việt Nam chủ trì phối hợp tổ chức cùng Viện Quốc tế Pháp ngữ (Đại học Lyon 3), Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), Cơ quan Đại học Pháp ngữ (AUF) và các đối tác.

Tâm điểm của động lực phát triển mới

Diễn ra trong 2 ngày dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, sự kiện thu hút sự quan tâm và tham dự của các đại diện tổ chức quốc tế Pháp ngữ, Bộ Ngoại giao Việt Nam; cùng đông đảo các đại biểu và diễn giả thuộc cộng đồng Pháp ngữ trong và ngoài nước, qua đó cùng phân tích động lực mới, triển vọng phát triển và đề xuất các giải pháp nâng cao vị thế và đóng góp của cộng đồng Pháp ngữ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương năng động.

Là sự kiện mang tính học thuật, hội thảo cũng nhằm kỷ niệm 25 năm ngày diễn ra Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 tổ chức tại Hà Nội năm 1997.

Kể từ sau sự kiện này, cộng đồng các quốc gia sử dụng tiếng Pháp đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng về thể chế và hợp tác quốc tế, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị.

Số người sử dụng tiếng Pháp gia tăng đều đặn, giúp tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ quốc tế đứng thứ hai sau tiếng Anh. OIF đã có những bước hoàn thiện thể chế và đạt nhiều thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực như bảo vệ đa dạng văn hóa, gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột...

Trong đó, khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với vị trí và vai trò địa chính trị ngày càng gia tăng trên thế giới, đã trở thành một nhân tố quan trọng trong chiến lược phát triển của tổ chức Pháp ngữ.

Mặc dù đây là khu vực vốn có số người sử dụng tiếng Pháp ít nhất trên thế giới, song 2 thập kỷ đầu thế kỷ XXI đã chứng kiến số lượng người học tiếng Pháp tại đây không ngừng gia tăng, cũng như những tiềm năng có thể tạo thành động lực cho sự phát triển của tổ chức.

Nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng Pháp ngữ ở châu Á-Thái Bình Dương ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, đại diện Việt Nam bên cạnh OIF, Phó Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, đại diện Việt Nam bên cạnh OIF, Phó Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao cho rằng, 25 năm sau Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội, một động lực mới cho cộng đồng Pháp ngữ đã hình thành ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Với vị trí địa chính trị chiến lược trong khu vực kinh tế năng động nhất thế giới hiện nay, châu Á-Thái Bình Dương đã trở thành động lực quan trọng cho phát triển và an ninh quốc tế.

Trong đó, khu vực này cũng ngày càng quan tâm đến việc học tiếng Pháp cũng như tăng cường hợp tác nhiều mặt, bao gồm hợp tác Nam-Nam và hợp tác 3 bên với các quốc gia thành viên Pháp ngữ - một cộng đồng chiếm 14% dân số thế giới, 16% tổng thu nhập và 20% tổng thương mại hàng hóa toàn cầu.

Lá cờ đầu của Pháp ngữ ở châu Á-Thái Bình Dương

Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận về nguồn lực cần thiết nhằm đẩy mạnh sự hiện diện của Pháp ngữ tại châu Á-Thái Bình Dương. Trong đó, các chuyên gia, diễn giả đều đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong cộng đồng Pháp ngữ tại khu vực.

Theo đánh giá, tuy địa vị tiếng Pháp có phần suy giảm, nhưng Việt Nam vẫn được xem là lá cờ đầu của Pháp ngữ ở châu Á-Thái Bình Dương, là nơi đặt văn phòng khu vực của OIF và Cơ quan Đại học Pháp ngữ (AUF).

Đầu năm 2022, Việt Nam cũng đã đón chuyến thăm của Tổng Thư ký OIF, bà Louise Mushikiwabo. Đây cũng là đoàn công tác xúc tiến kinh tế thứ hai trong nhiệm kỳ của Tổng Thư ký Mushikiwabo.

Đó là những cơ hội thuận lợi để Việt Nam phát huy vai trò trong việc thúc đẩy vị thế và đóng góp của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong cộng đồng Pháp ngữ trên thế giới, qua đó tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh đánh giá, đối với Việt Nam, Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ tại Hà Nội năm 1997 đánh dấu mốc quan trọng trong chính sách đối ngoại nói chung và ngoại giao đa phương của Việt Nam nói riêng. Với sự tham gia của 48 quốc gia thành viên, quan sát viên và chính phủ, đây là hội nghị quốc tế lớn nhất mà Việt Nam đăng cai cho đến thời điểm đó.

Trong 25 năm qua, bất chấp nhiều thách thức, trong đó có nguy cơ suy giảm tiếng Pháp, Việt Nam và các nước Pháp ngữ khác cùng các bên liên quan trong khu vực đã tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các giai đoạn phát triển khác nhau của cộng đồng Pháp ngữ.

Nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng Pháp ngữ ở châu Á-Thái Bình Dương ảnh 2
Ông Kaloyan Kolev, đại diện Văn phòng OIF khu vực châu Á-Thái Bình Dương. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Ông Kaloyan Kolev, đại diện Văn phòng khu vực của OIF cho rằng, sau hội nghị Cấp cao Pháp ngữ 1997, Việt Nam đã phát triển rất mạnh mẽ, trong đó tăng cường hợp tác với các nước thành viên Pháp ngữ, có đóng góp quan trọng vào quá trình đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa không ngừng của tổ chức.

Khẳng định châu Á-Thái Bình Dương là khu vực được quan tâm trong các chính sách thúc đẩy hợp tác, phát triển của OIF, ông Kaloyan Kolev nhấn mạnh tổ chức Pháp ngữ luôn dành ưu tiên cho 7 quốc gia thành viên trong khu vực, trong đó có Việt Nam, nhằm thúc đẩy tiếng Pháp trong khối và phát huy những giá trị cốt lõi về đoàn kết, đa dạng trong cộng đồng.

Nêu bài học về áp dụng thành công ngoại giao nhân dân và sức mạnh mềm của Việt Nam trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, Giáo sư Pierre Journoud, Đại học Paul-Valéry Montpellier (Pháp) cho rằng, đây là cơ sở để Việt Nam củng cố, phát huy quyền lực mềm của mình trong thế giới hiện đại ngày nay, trong đó có các hoạt động trong cộng đồng Pháp ngữ.

Nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng Pháp ngữ ở châu Á-Thái Bình Dương ảnh 3
Giáo sư Pierre Journoud, Đại học Paul-Valéry Montpellier (Pháp). (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Giáo sư Pierre Journoud nêu rõ, việc Việt Nam tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các công việc chung của thế giới, trong đó có sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở châu Phi, đang ngày càng cho thấy hình ảnh 1 thành viên tích cực, trách nhiệm của cộng đồng Pháp ngữ trên trường quốc tế.

Nhấn mạnh ngôn ngữ là một trong những động lực giúp khẳng định quyền lực mềm của các quốc gia, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Như Thanh, Trưởng Khoa tiếng Pháp, Học viện Ngoại giao Việt Nam cho rằng, để thúc đẩy sự hiện diện của tiếng Pháp và thu hút nhiều người học ngôn ngữ này, cần thiết phải nhấn mạnh tính đa ngôn ngữ trên thế giới hiện nay.

Nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng Pháp ngữ ở châu Á-Thái Bình Dương ảnh 4
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Như Thanh, Trưởng Khoa tiếng Pháp, Học viện Ngoại giao. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Theo Tiến sĩ Như Thanh, dù tiếng Anh vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong khu vực, thông qua sự thúc đẩy đa ngôn ngữ sẽ giúp tiếng Pháp củng cố vị thế là ngôn ngữ được sử dụng nhiều thứ hai trên thế giới.

Các biện pháp để hiện thực hóa mục tiêu này có thể là cho phép sinh viên tiếng Pháp được ưu tiên và có điểm cộng khi tham gia thị trường lao động. Đó cũng là định hướng của Học viện Ngoại giao hiện nay khi áp dụng chương trình đào tạo đa ngôn ngữ.

Ông Arnaud Pannier, tùy viên về văn hóa-giáo dục, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết, xây dựng bản sắc hiện đại đang là xu hướng diễn ra trên toàn cầu, trong đó ngôn ngữ là một cấu phần.

Nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng Pháp ngữ ở châu Á-Thái Bình Dương ảnh 5
Ông Arnaud Pannier, tùy viên về văn hóa-giáo dục, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Nhấn mạnh ngôn ngữ là yếu tố hình thành sức mạnh mềm, ông Arnaud Pannier cho rằng mỗi quốc gia thành viên trên cơ sở lợi ích quốc gia của mình khi tham gia vào tổ chức Pháp ngữ nên chọn các lĩnh vực phù hợp để định hình không gian hợp tác đa phương.

Trong thời gian tới, OIF cần phải có cơ chế điều hành mang tính chất linh hoạt, mềm dẻo để các nước có thể tìm được tiếng nói chung trong không gian hợp tác, qua đó tham gia vào các dự án phù hợp với lợi ích và mục đích của mình, đồng thời phát huy những tính chất ưu việt của cộng đồng Pháp ngữ.