Nâng cao trách nhiệm, vai trò của Quân đội trong phòng, chống tội phạm mua bán người

NDO - Sáng 30/7, tại Sơn La, Bộ Quốc phòng tổ chức tọa đàm “Quân đội tích cực phòng, chống tội phạm mua bán người".
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu trao đổi tại buổi tọa đàm.
Các đại biểu trao đổi tại buổi tọa đàm.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, trong những năm qua, hoạt động của tội phạm mua bán người ở Việt Nam nói chung, ở khu vực biên giới nói riêng diễn biến phức tạp. Thành phần đối tượng phạm tội đa dạng, bao gồm những đối tượng phạm tội chuyên nghiệp; người thường xuyên qua lại khu vực biên giới; người nhà nạn nhân sinh sống và định cư ở nước ngoài và thậm chí là nạn nhân của các vụ mua bán người trước.

Các đối tượng có sự câu kết, móc nối trong và ngoài nước, hình thành đường dây mua bán người xuyên quốc gia với phương thức, thủ đoạn tinh vi, như: Lấy danh nghĩa các công ty môi giới hôn nhân, môi giới lao động, sử dụng các nền tảng trực truyến để tiếp cận, lừa bán nạn nhân ra nước ngoài nhằm cưỡng bức lao động và bóc lột tình dục; lợi dụng các quy định về y tế, nhân đạo, cho nhận con nuôi, mang thai hộ để bán trẻ sơ sinh…; lợi dụng thăm thân, du lịch hoặc tổ chức các đường dây xuất cảnh trái phép, sau đó thu giữ giấy tờ rồi đưa đến các cơ sở lao động cưỡng bức…

Từ năm 2019 đến nay, do tình hình liên quan đến dịch bệnh Covid-19 nên số công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép về nước cũng như số công dân bị nước ngoài trục xuất tăng. Lực lượng chức năng các tỉnh, thành đã trực tiếp xác minh hơn 100 nghìn trường hợp công dân Việt Nam lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài và tiếp nhận hơn 25 nghìn trường hợp bị trục xuất về Việt Nam.

Gần đây, nổi lên hoạt động của các đối tượng người Việt Nam tại nước ngoài câu kết với đối tượng ở trong nước, sử dụng “chiêu bài” quảng cáo trên các trang mạng xã hội để tuyển lao động “việc nhẹ lương cao”. Sau đó, các lao động này bị đưa ra nước ngoài (bao gồm cả xuất cảnh hợp pháp và trái phép), bị ép buộc làm việc trong các công ty đánh bạc trực tuyến hoặc lừa đảo sử dụng công nghệ cao. Nếu không hoàn thành chỉ tiêu ở mức cao, họ sẽ bị đánh đập, giam giữ. Số lao động này muốn trở về Việt Nam thì bị bắt ký giấy vay nợ, đòi tiền chuộc. Tình hình trên ảnh hưởng rất lớn đến an ninh trật tự và đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, để lại hệ lụy rất lớn cho người dân, gia đình và xã hội.

Thiếu tướng Trần Ngọc Tuấn - Phó Chính ủy Quân khu 2 cho biết: mua bán người được Liên hợp quốc xác định là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào “Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu”.

Ở nước ta, tội phạm mua bán người xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố. Nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê... Trong đó, có nhiều vụ mua bán trẻ sơ sinh, bào thai sang bên kia biên giới Trung Quốc.

Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung đưa ra các giải pháp như: tiếp tục xây dựng và hoàn thiện những quy định pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ và trẻ em; Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tệ nạn mua bán người. Nâng cao cảnh giác trong quần chúng nhân dân, đề phòng và kịp thời phát hiện tố giác hoạt động của bọn tội phạm với các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Theo dõi, giám sát chặt chẽ các hoạt động: dịch vụ nhà hàng, khách sạn, dịch vụ môi giới hôn nhân, nhận con nuôi, các bệnh viện; các đối tượng nghi vấn. Tăng cường công tác điều tra, xác minh, huy động sự tham gia của quần chúng nhân dân ở các địa bàn trọng điểm, các vùng biên giới vào công tác này.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em, kịp thời trao đổi nắm bắt các thông tin tội phạm, phối hợp điều tra, bắt giữ và xử lý người phạm tội; tương trợ tư pháp hình sự với các nước trong đấu tranh phòng chống tội phạm.

Nâng cao trách nhiệm và vai trò của Quân đội, góp phần khẳng định sự nỗ lực và chính sách nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Ngày 17/5/2022, Bộ Quốc phòng ban hành Kế hoạch số 1495/KH-BQP chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng chống mua bán người” nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân và nhân dân về tội phạm mua bán người và nhiệm vụ phòng, chống tội phạm mua bán người, qua đó, làm giảm tội phạm mua bán người, các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan; hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng; nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý đối tượng phạm tội mua bán người, giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán, góp phần giữ vững an ninh, trật tự trên các tuyến biên giới, biển, đảo và khu vực đóng quân.