Cùng suy ngẫm

Nâng cao trách nhiệm trong công tác xây dựng thể chế

Xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược để đất nước phát triển bền vững, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, nhưng sự quan tâm của nhiều bộ, ngành, địa phương về công tác này chưa đồng đều, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/4. (Ảnh: DUY LINH)
Quang cảnh Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/4. (Ảnh: DUY LINH)

Qua theo dõi công tác tổ chức các kỳ họp, phiên họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, vẫn còn tình trạng bổ sung dự án, dự thảo không theo chương trình tổng thể, hoặc sát thời điểm họp cơ quan chủ trì soạn thảo mới gửi cơ quan thẩm tra và đại biểu, dẫn đến các nội dung văn bản thiếu thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng để cho ý kiến.

Việc tham gia, phối hợp trong quá trình soạn thảo dự án, dự thảo văn bản chưa nghiêm túc, tình trạng thành viên Ban soạn thảo không tham gia đầy đủ các cuộc họp mà ủy quyền cho cấp dưới tham dự diễn ra khá phổ biến, ảnh hưởng chất lượng cuộc họp; một số trường hợp thành viên tham gia còn hình thức, chưa quan tâm đúng mức, chưa có sự đầu tư về thời gian, trí tuệ cho nên chưa phát huy được hết trách nhiệm.

Hoạt động lấy ý kiến trong quá trình xây dựng văn bản còn hình thức, nội dung lấy ý kiến chưa nêu được những vấn đề trọng tâm của chính sách, hoặc nội dung chính của dự thảo văn bản cần xin ý kiến cho nên chưa thật sự tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, tham gia ý kiến.

Việc giải trình, phản hồi ý kiến góp ý trong một số trường hợp còn chưa đầy đủ. Việc kiểm tra văn bản theo thẩm quyền ở các bộ, ngành chưa kịp thời, chưa theo sát tiến độ ban hành văn bản; việc xử lý văn bản có quy định trái pháp luật tại một số cơ quan cấp bộ và địa phương sau khi có kết luận kiểm tra của Bộ Tư pháp còn chậm trễ, chưa kịp thời theo quy định…

Đáng lo ngại, theo Bộ Tư pháp, tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết diễn ra nghiêm trọng tới mức một số luật đã có hiệu lực thi hành nhưng đến nay các bộ chủ trì soạn thảo chưa ban hành văn bản quy định chi tiết. Bộ Tư pháp đã phải đề nghị các bộ chủ trì soạn thảo khẩn trương báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giải pháp xử lý “khoảng trống” pháp lý trong thời gian chưa có văn bản quy định chi tiết thi hành.

Cụ thể là: Bộ luật Lao động (sửa đổi); các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Xử lý vi phạm hành chính; Đầu tư công; Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Đầu tư; Đấu thầu; Nhà ở; Điện lực; Doanh nghiệp; Thuế tiêu thụ đặc biệt; Thi hành án dân sự.

Bàn về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế tại các kỳ họp của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay trong các hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, nhiều ý kiến nhấn mạnh, để triển khai tốt việc này, trước hết cần chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhằm làm rõ trách nhiệm trước tình trạng nợ đọng văn bản gắn với ngăn ngừa tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Bộ Tư pháp cần theo dõi, đôn đốc xử lý triệt để các văn bản có quy định trái pháp luật, không để gây trở ngại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, môi trường sản xuất, kinh doanh; tập trung nguồn lực chất lượng cao cho công tác thẩm định, chú trọng tới tính dự báo của chính sách thể hiện trong văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính khả thi để pháp luật thật sự đi vào cuộc sống; kiểm soát chặt chẽ việc quy định thủ tục hành chính để bảo đảm chỉ ban hành những thủ tục thật sự cần thiết, cấp thiết, hợp pháp, hợp lý, có chi phí tuân thủ thấp nhất.

Tăng cường, huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong thẩm định, huy động sự tham gia góp ý, phản biện của các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp và các phương tiện thông tin đại chúng khi xây dựng thể chế.