Theo Tổ chức Nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (CIFOR), tại Việt Nam, tổng doanh thu và lợi nhuận hằng năm từ buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã ước tính lần lượt đạt mức 66,5 triệu đôla Mỹ và 21 triệu đôla Mỹ. Chính nguồn lợi nhuận khổng lồ này đã khiến việc đấu tranh với các hoạt động buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm ở Việt Nam ngày càng trở nên phức tạp.
Con số từ lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, năm 2021 phát hiện 816 vụ vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, nhiều hơn đáng kể so với năm 2020 là 379 vụ vi phạm, trong 6 tháng đầu năm năm 2022 là 356 vụ vi phạm.
Tổng khối lượng cá thể, bộ phận cơ thể và sản phẩm các loài động vật hoang dã bị bắt giữ là 23.212 kg, liên quan đến 84 loài bị săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái pháp luật. Trong đó, các loài bị bắt giữ phổ biến là các loài nguy cấp, quý, hiếm như: tê tê, hổ và các loài mèo lớn, voi, các loài rùa, tê giác...
Cùng với đó, doanh thu từ hoạt động buôn bán trái pháp luật các cá thể, bộ phận cơ thể và sản phẩm của động vật hoang dã kể trên được đánh giá là rất lớn, cả trên thế giới và tại Việt Nam.
Siêu lợi nhuận đã khiến cho buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã phát triển nhanh chóng và ngày càng gia tăng các băng nhóm tội phạm có tổ chức. Tuy nhiên, do bản chất bất hợp pháp của việc buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã nên việc ước tính số tiền thu được từ hoạt động này là tương đối khó khăn, và giá trị thị trường từ buôn bán động vật hoang dã cả hợp pháp và bất hợp pháp đều liên tục thay đổi.
Mới đây, Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS Việt Nam) công bố báo cáo “Khảo sát về nhận thức và năng lực của đơn vị tình báo tài chính và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính về phòng, chống rủi ro rửa tiền liên quan đến buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tại Việt Nam”. Đây là kết quả của hoạt động nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của Học viện Ngân hàng, trong khuôn khổ hợp tác giữa WCS Việt Nam và Học viện Ngân hàng.
Theo kết quả nghiên cứu, phần lớn cán bộ của các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính phi ngân hàng đánh giá rủi ro rửa tiền từ buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã ở mức cao và trung bình cao, tỷ lệ này của ngân hàng thương mại là 84%, của tổ chức tài chính phi ngân hàng là 80%. Có 3 hoạt động tiềm ẩn rủi ro rửa tiền cao là hoạt động chuyển tiền/thanh toán, thanh toán quốc tế/tài trợ thương mại, và các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số.
Các quy định về phòng, chống rửa tiền liên quan đến buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã đã có nhưng chưa đầy đủ. Quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền tại các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính phi ngân hàng chỉ có các nội dung phòng, chống rửa tiền chung, chưa có nội dung cụ thể liên quan đến buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã.
Phần lớn cán bộ của các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính phi ngân hàng nắm được các quy định hiện hành liên quan đến phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, hầu như họ không nắm được các quy định về bảo vệ động vật hoang dã: chỉ có 10% cán bộ ngân hàng thương mại được hỏi biết đến danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc các phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Nhóm ngân hàng nước ngoài được đánh giá tốt nhất về hiệu quả thực hiện các nội dung trong quy trình đánh giá rủi ro rửa tiền liên quan đến buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã do đã có kinh nghiệm áp dụng các quy định về phòng, chống rửa tiền của ngân hàng mẹ. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần và tổ chức tài chính phi ngân hàng có mức áp dụng thấp hơn do phải cân đối giữa áp lực cạnh tranh kinh doanh và việc tuân thủ các quy định, quy trình về phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, các tổ chức tài chính đều gặp khó khăn trong việc nhận diện rủi ro rửa tiền từ nguồn buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã. Cho đến nay vẫn chưa có trường hợp nào nhận diện được rủi ro rửa tiền thu được từ hoạt động buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã.
Năng lực và kinh nghiệm của cán bộ các tổ chức tài chính về nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền liên quan đến buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã còn thấp; có tới 100% cán bộ tổ chức tài chính phi ngân hàng tham gia khảo sát cho biết chưa từng được đào tạo về phòng, chống rửa tiền nói chung và phòng, chống rửa tiền từ buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã nói riêng. Hơn 90% cán bộ được khảo sát mong muốn được đào tạo về các nội dung đào tạo phòng, chống rửa tiền liên quan đến buôn bán trái phép luật động vật hoang dã.
Dựa trên kết quả khảo sát và các khuyến nghị, WCS Việt Nam sẽ tiếp tục thiết kế các hoạt động nâng cao nhận thức về các nguy cơ, rủi ro tài chính từ buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã; đồng thời tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn hỗ trợ các tổ chức tài chính nhằm nâng cao năng lực phòng, chống rửa tiền liên quan đến buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã.