Bổ sung các quy định về phòng, chống rửa tiền sát yêu cầu thực tiễn

NDO - Tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, một số nội dung trong dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) cần phải điều chỉnh cho sát thực tiễn như kiến nghị của các đại biểu sẽ được Chính phủ xem xét bổ sung sau khi được sự chấp thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhằm sớm hoàn chỉnh dự án luật, trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ tư.
0:00 / 0:00
0:00
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: DUY LINH)
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: DUY LINH)

Điều chỉnh, cập nhật kịp thời

Sáng 1/11, báo cáo giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan dự án luật, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng bày tỏ cảm ơn các ý kiến của các đại biểu nêu tại phiên thảo luận tổ ngày 24/10 cũng như tại hội trường sáng nay.

Theo Thống đốc, các ý kiến rất xác đáng, tâm huyết, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các đại biểu Quốc hội đối với công tác phòng, chống rửa tiền nói chung, cũng như việc xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) nói riêng.

Báo cáo thêm một số nội dung đại biểu nêu, trong đó đối với các nội dung giao Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết các quy định này chủ yếu là những nội dung liên quan đến kỹ thuật và những nội dung cần phải điều chỉnh theo từng thời kỳ, hoặc nội dung phát sinh trong thực tiễn, cần phải có những cập nhật kịp thời và thay đổi thường xuyên.

Tại hồ sơ dự án luật trình Quốc hội, Chính phủ đã trình kèm dự thảo nghị định cũng như dự thảo về quyết định của Thủ tướng Chính phủ và dự thảo thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Về vấn đề đại biểu nêu liên quan các đối tượng chủ thể báo cáo và tính khả thi trong việc quy định đối với các chủ thể đối tượng báo cáo là các tổ chức tài chính và phi tài chính, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, các đối tượng báo cáo này trong dự thảo luật là những đối tượng được kế thừa từ Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012. Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) bổ sung những đối tượng đang được quy định các văn bản dưới luật.

Bổ sung các quy định về phòng, chống rửa tiền sát yêu cầu thực tiễn ảnh 1

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: DUY LINH

Ngoài ra, liên quan ý kiến một số đại biểu đề nghị bổ sung trong dự thảo luật những công ty cung cấp dịch vụ tài sản ảo hay kinh doanh tài chính tiền tệ trên nền tảng về công nghệ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong quá trình xây dựng, cơ quan soạn thảo đã đưa các hoạt động này vào trong dự thảo luật, nhưng trong quá trình tham vấn ý kiến qua nhiều vòng, các ý kiến cho rằng các hoạt động này chưa được quy định trong các văn bản quy định pháp luật hiện hành vì vậy chưa nên đưa vào dự thảo luật.

Chính vì vậy, quy định này sẽ giao Chính phủ bổ sung đối tượng báo cáo sau khi được sự chấp thuận, đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Về nhóm vấn đề các đại biểu cũng dành thời gian thảo luận nhiều liên quan đến dấu hiệu đáng ngờ và báo cáo giao dịch đáng ngờ, Thống Đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, dấu hiệu đáng ngờ chủ yếu là mang tính định tính, cơ quan soạn thảo tổng hợp từ kinh nghiệm mang tính phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới và có cân nhắc những đặc thù về các hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm của Việt Nam.

Do dấu hiệu giao dịch đáng ngờ là định tính và chỉ là bước khởi đầu phát hiện ra có dấu hiệu đáng ngờ, là dấu hiệu cảnh báo ban đầu, sau đó các đối tượng báo cáo, các chủ thể báo cáo sẽ gửi cho Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận thông tin để phân tích, xử lý.

“Để biết các giao dịch này có phải là hoạt động rửa tiền hay không sẽ được xác định thông qua quá trình điều tra, xét xử theo quy định pháp luật”, Thống Đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ.

Ngoài ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng giải trình về nhóm vấn đề liên quan trì hoãn giao dịch. Theo đó, để tránh lạm dụng và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân, dự thảo luật đã quy định thời hạn trì hoãn không quá 3 ngày kể từ ngày thực hiện và đối tượng báo cáo được miễn trách nhiệm pháp lý nếu thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.

Giao cho Ngân hàng Nhà nước quy định về phòng, chống rửa tiền

Để kiểm soát hoạt động giao dịch nhằm phòng, chống rửa tiền tốt hơn, đại biểu Phạm Đức Ấn (Hà Nội) cho rằng, việc giao cho Ngân hàng Nhà nước quy định sẽ rõ ràng, cụ thể hơn.

Bổ sung các quy định về phòng, chống rửa tiền sát yêu cầu thực tiễn ảnh 2
Đại biểu Phạm Đức Ấn (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: DUY LINH

Về khuôn khổ pháp lý và hiệu quả thực thi dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), đại biểu cho rằng, Chính phủ đã đưa ra 40 khuyến nghị theo quy định của Lực lượng đặc nhiệm tài chính chống rửa tiền quốc tế (FATF) về phòng, chống rửa tiền.

“Nhiều nội dung mang tính định tính, nếu chúng ta quy định tất cả mọi thứ đều phải kiểm soát thì số lượng giao dịch vô cùng lớn nên đòi hỏi vai trò, trách nhiệm của đơn vị báo cáo”, đại biểu nêu rõ.

Vì vậy, theo đại biểu Phạm Đức Ấn, việc quy định như trong dự án luật là hoàn toàn phù hợp. Việc giao cho Ngân hàng Nhà nước hay Chính phủ hướng dẫn đều có trong dự thảo Nghị định và dự thảo Thông tư cũng đã nói rõ về vấn đề này. Sau khi Luật ban hành thì Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn, điều chỉnh uyển chuyển, phù hợp hơn.

Bổ sung các quy định về phòng, chống rửa tiền sát yêu cầu thực tiễn ảnh 3
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang). Ảnh: DUY LINH

Cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền với lý do như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) nêu một số vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa để bảo đảm phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng tính phù hợp, thống nhất, khả thi của luật này trong hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan.

Theo đó, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đầy đủ, toàn diện, thận trọng các nội dung tại dự thảo luật với các bộ luật hiện hành như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Công chứng, Luật Luật sư… và kể cả dự thảo Luật Giao dịch điện tử đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp này để bảo đảm tính hợp pháp, thống nhất, khả thi của luật trong hệ thống pháp luật.