Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước lĩnh vực dịch vụ truyền hình trả tiền

NDO -

NDĐT - Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18-1-2016 được Chính phủ ban hành đã khắc phục được một số bất cập tại Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định chưa đủ hoặc không theo kịp sự phát triển của lĩnh vực này, góp phần quan trọng đưa công tác quản lý dịch vụ phát thanh truyền hình đáp ứng tốt yêu cầu thực tế.

Để công tác quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền và nội dung thông tin trên dịch vụ truyền hình trả tiền được triển khai hiệu quả, ngày 24-3-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg về Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền. Đến nay, sau năm năm triển khai, Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg đã đạt được một số mục tiêu cụ thể đề ra, góp phần nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về dịch vụ truyền hình trả tiền; đồng thời tạo đà thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước tham gia thị trường cung cấp dịch vụ trả tiền, góp phần không nhỏ trong công tác thông tin, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT) Trương Minh Tuấn cho biết: Trong bối cảnh lĩnh vực phát thanh truyền hình đang phát triển ngày càng “nóng”, quá trình thực thi Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg đã bộc lộ một số quy định chưa đủ hoặc chưa theo kịp sự phát triển của lĩnh vực này. Mặt khác, Chính phủ cũng đang tập trung chỉ đạo thực hiện chủ trương số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020. Vì vậy, những tồn tại và bất cập trong Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg cần phải được sửa đổi, bổ xung và nâng cấp Quyết định của Thủ tướng thành Nghị định của Chính phủ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế trong tình hình mới.

Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18-1-2016 được Chính phủ ban hành được đánh giá đưa công tác quản lý trong lĩnh vực phát thanh truyền hình đáp ứng tốt hơn những nhu cầu thực tế. Phó Cục trưởng Phát thanh Truyền hình (Bộ TT và TT) Nguyễn Hà Yên chia sẻ: Nghị định mới giúp thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách mới của Đảng, Nhà nước về dịch vụ phát thanh, truyền hình phù hợp với định hướng Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 và Quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình đến năm 2020. Bên cạnh đó, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ và tính khả thi trong hệ thống pháp luật nói chung; bảo đảm phát huy nội lực, tích cực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực, thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế. Ngoài ra, Nghị định mới cũng kế thừa những quy định còn phù hợp của Quyết định 20/2011/QĐ-TTG, bổ sung vào Nghị định những quy định tại các văn bản dưới Nghị định đã được thực tiễn kiểm nghiệm, bổ sung những quy định khác phù hợp với thực tiễn phát triển của lĩnh vực phát thanh, truyền hình, bảo đảm tính khả thi và nguồn lực triển khai thực hiện…

Về một số quy định mới của Nghị định, ông Yên cho biết: Tại điều 5 đã làm rõ chính sách của Nhà nước nhằm thực hiện chủ trương khuyến khích sử dụng nguồn lực từ xã hội tham gia sản xuất chương trình trong nước nhằm tạo nguồn nội dung trong nước phong phú, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người dân. Ngoài ra, Nghị định cũng có hai điều riêng biệt (Điều 13 và Điều 14) quy định về nội dung trên dịch vụ phát thanh, truyền hình quảng bá và nội dung trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền. Trong đó, điểm mới là bổ sung quy định rõ nội dung trên dịch vụ phát thanh, truyền hình quảng bá là các kênh chương trình trong nước hình thành từ hai nhóm là các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và của địa phương; hai là các kênh chương trình trong nước khác…