Chương trình dự kiến được tổ chức trong 3 năm, với giai đoạn thí điểm đầu tiên kéo dài từ năm 2022 đến 2023, nhằm giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ngay tại nơi sinh sống trong bối cảnh mô hình bệnh tật đang có nhiều thay đổi.
Nội dung chương trình tập trung vào công tác nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn cho nhân viên y tế cơ sở về chẩn đoán, điều trị, quản lý các bệnh lý phổ biến thông qua đào tạo liên trực tuyến, cấp chứng chỉ theo Thông tư 26/2020/TT-BYT sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2013/TT-BYT của Bộ Y tế.
Đáng chú ý, chương trình đặt mục tiêu thu hút khoảng hơn 20 nghìn nhân viên y tế trên cả nước tham gia trong giai đoạn 2022-2023. Các nhân viên y tế trên sẽ được đào tạo về quản lý hiệu quả người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường và nội tiết, bệnh lý cơ xương khớp, thai sản-sức khỏe sinh sản… cũng như truyền thông, giáo dục sức khỏe, sơ cấp cứu, tiêm chủng dự phòng…
Các khóa đào tạo sẽ được triển khai trên nền tảng ứng dụng thông minh “Y360 – Cộng đồng y khoa học và đọc” với hệ thống đo lường, đánh giá năng lực người học qua từng chủ đề, bài học và hoàn toàn miễn phí.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam Hà Anh Đức cho biết: con số 20 nghìn nhân viên y tế tham gia chương trình được xây dựng trên cơ sở thực tiễn. Ban Tổ chức tin tưởng con số thực tế sẽ còn lớn hơn với nguồn nhân lực không chỉ ở hội viên Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, mà còn phủ rộng trên toàn bộ lực lượng y, bác sĩ, nhân viên y tế tuyến cơ sở trên khắp cả nước.
Trong khi đó, PGS, TS Nguyễn Thị Xuyên, nguyên Thứ trưởng Y tế, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết: “Chương trình sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp về ứng dụng chuyển đổi số trong đào tạo liên tục tại Việt Nam, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”.