Chiều 21/10, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nêu rõ, sở hữu trí tuệ là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội vì tài sản trí tuệ có giá trị lớn trong nền kinh tế tri thức, là nguồn lực cho phát triển sản xuất kinh doanh và là công cụ cạnh tranh hiệu quả của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Tuy nhiên, bối cảnh phát triển hiện nay đã có nhiều thay đổi so với năm 2005. Việt Nam không còn thuần túy là nước “sử dụng tài sản trí tuệ” mà đang chuyển mạnh sang là nước tạo ra tài sản này phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.
Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Điều này đã được thể hiện trong chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Mục tiêu sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ; kế thừa giá trị của các văn bản pháp luật đã được ban hành; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể gồm người sáng tạo, bên sử dụng, công chúng thụ hưởng.
Đồng thời, nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 16 năm thi hành Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành và nội luật hóa các cam kết tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia như Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA…
Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 92 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 80 điều) và bãi bỏ 2 điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 232 điều, thuộc 7 nhóm Chính sách đã được thông qua.
Trong dự thảo Luật, Chính phủ cũng trình xin ý kiến Quốc hội hai phương án đối với mỗi vấn đề: Về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; Về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi Luật với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Các tài liệu trong Hồ sơ dự án Luật đã đáp ứng yêu cầu quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ hai.
Về cơ bản, nội dung của dự thảo Luật đã đáp ứng cam kết trong các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, nhất là Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA.
Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị rà soát kỹ thêm một số nội dung cụ thể, như: Về chấm dứt hiệu lực của nhãn hiệu được bảo hộ đã trở thành tên gọi thông thường; Về thực hiện cơ chế đầy đủ và hiệu quả để đền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì việc giảm thời hạn bảo hộ hữu hiệu của bằng sáng chế do sự chậm trễ bất hợp lý trong việc cấp phép lưu hành; Về hiệu lực thi hành để phù hợp hơn với cam kết trong Hiệp định EVFTA (có hiệu lực từ ngày 1/8/2020) và Hiệp định CPTPP (sẽ có hiệu lực từ ngày 14/1/2022).
Đồng thời, Ủy ban Pháp luật cũng cho ý kiến cụ thể đối với các phương án mà Chính phủ trình Quốc hội xin ý kiến về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; Về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Cũng trong chiều ngày 21/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.