Nâng cao hơn nữa công tác giám sát, phản biện xã hội

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, qua 10 năm triển khai thực hiện Quyết định số 217-QÐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể, qua đó góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Một buổi giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Bình Thạnh đối với lãnh đạo Phường 28.
Một buổi giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Bình Thạnh đối với lãnh đạo Phường 28.

Nhiều mô hình cụ thể hóa về giám sát, phản biện xã hội

Thời gian qua, nhờ triển khai đồng bộ nhiều cơ chế, chính sách về giám sát, phản biện xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy được vai trò giám sát trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và đoàn thể.

Trong đó, Mặt trận đã đi sâu vào giám sát được công tác quản lý nhà nước tại các cơ sở giáo dục mầm non, công tác bảo đảm an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường; công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phòng chống cháy nổ ở khu dân cư. Qua công tác này, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội đã góp phần giúp bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng mà nhân dân, đảng viên, đoàn viên, hội viên quan tâm, bức xúc.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã có nhiều mô hình cụ thể hóa, trong đó đã xây dựng được Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền với nhân dân (Quyết định 935-QÐ/TU); quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tiếp thu ý kiến đóng góp của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân (Quyết định 936-QÐ/TU).

Tháng 5/2017, thành phố đã ban hành Quy chế lấy ý kiến nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và các cơ quan liên quan góp ý về chủ trương, chính sách của cấp ủy và chính quyền các cấp trước khi ban hành. Tháng 12/2017, thành phố đã ban hành quy định về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước (Quy định số 1374-QÐ/TU). Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, đây là các cơ sở quan trọng để Ban Thường vụ Thành ủy ban hành chỉ thị thực hiện Ðề án "Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp của thành phố giai đoạn 2021-2030".

Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, qua 10 năm triển khai thực hiện, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của thành phố đã giám sát đối với 1.843 văn bản của các cơ quan có thẩm quyền, qua đó đã kiến nghị 537 nội dung có liên quan. Hệ thống Mặt trận Tổ quốc cũng tổ chức giám sát với 11.382 cuộc, nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề nhân dân quan tâm hoặc bức xúc như: Quản lý và cấp phép xây dựng; lập lại trật tự lòng đường, lề đường, mỹ quan đô thị; tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân,…

Ðối với hoạt động phản biện xã hội, trong giai đoạn 2013-2023, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của thành phố đã chủ trì tổ chức 703 hội nghị phản biện xã hội. Qua các ý kiến phản biện và kiến nghị của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, chính quyền cùng cấp đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc để thực hiện việc khắc phục, sửa chữa.

Đề xuất nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện theo tinh thần của hai quyết định này, ông Võ Văn Thiện, Trưởng ban Công tác phía nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, Ðảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh cần nghiên cứu và tham mưu cơ chế cụ thể về việc tiếp thu, xử lý các ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội. Cần xem đây là một nhiệm vụ quan trọng để nâng cao hiệu quả phản biện xã hội hiện nay. Trên thực tế, có tình trạng sau khi nhận phản biện, các chủ thể có thể tiếp thu hoặc không tiếp thu. Vấn đề này cần được công khai để nhân dân biết nguyên nhân vì sao lại giải quyết như vậy để tránh tình trạng phản biện chỉ tồn tại như một hoạt động mang tính hình thức, gây lãng phí do không mang lại hiệu quả cụ thể. Không ít địa phương thực hiện phản biện xã hội mang tính hình thức cho nên ít động viên được nhân dân trực tiếp tham gia. Giá trị của nhiều ý kiến phản biện gần như chỉ mang tính tham khảo, không có sự tiếp thu hay phản hồi. Chính điều này đã làm giảm đi phần nào giá trị của những ý kiến phản biện.

Ðể công tác giám sát, phản biện được triển khai, thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng của hai Quyết định 217-QÐ/TW và Quyết định 218-QÐ/TW. Từ đó, phát huy hiệu quả, vai trò của công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội.

Lãnh đạo Thành ủy cũng đề nghị Ban cán sự Ðảng Ủy ban nhân dân thành phố cần thực hiện tốt các quy định về dân chủ ở cơ sở để phát huy vai trò, ý thức trách nhiệm, trí tuệ của các tầng lớp nhân dân trong tham gia xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền, đồng thời yêu cầu các đơn vị tiếp tục đổi mới công tác tiếp xúc cử tri và thực hiện tốt các hình thức về tiếp xúc, đối thoại giữa chính quyền với nhân dân nhằm phát huy vai trò của người dân trong giám sát các vấn đề lớn của thành phố.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh và các đoàn thể chính trị-xã hội cần chủ động xây dựng các kế hoạch, chương trình giám sát, phản biện sát với các vấn đề dân sinh cụ thể, phát huy vai trò của các hội đồng tư vấn giám sát, các chuyên gia, nhà khoa học, các ban tư vấn, tổ tư vấn, những người am hiểu đối với các lĩnh vực giám sát, phản biện xã hội, nhất là cần làm tốt công tác bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng cho lực lượng giám sát ở cơ sở.