Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa nông thôn

Cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, hiện nay, phần lớn các xã, thị trấn và khu dân cư ở ngoại thành Hà Nội đều có nhà văn hóa. Tuy nhiên, nhiều nhà văn hóa mới có “vỏ”, mà bên trong thì chưa được trang bị đầy đủ trang thiết bị; việc vận hành cũng gặp khó khăn do thiếu kinh phí. Do đó, thành phố đang xây dựng chính sách hỗ trợ để nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa nông thôn.
0:00 / 0:00
0:00
Do được đầu tư bài bản cho thiết chế văn hóa, huyện Đông Anh đã tổ chức nhiều giải bóng đá phong trào có chất lượng.
Do được đầu tư bài bản cho thiết chế văn hóa, huyện Đông Anh đã tổ chức nhiều giải bóng đá phong trào có chất lượng.

Những năm gần đây, đời sống văn hóa tại khu vực nông thôn Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực khi hệ thống nhà văn hóa được hoàn thiện; nhiều biện pháp tổ chức hoạt động được triển khai. Điển hình như huyện Đan Phượng đến nay có 127/129 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa; con số này ở huyện Đông Anh là 153/155 thôn (trong đó 100% tổ dân phố đã có nhà văn hóa)... Những thiết chế văn hóa này đã nuôi dưỡng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Tuy nhiên, hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở chưa đồng đều. Một số huyện kinh tế còn khó khăn như: Ba Vì, Thạch Thất, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai..., không chỉ chưa “phủ sóng” được toàn bộ nhà văn hóa, mà nhiều nơi, nhà văn hóa đã xuống cấp, thiếu trang, thiết bị dẫn đến hoạt động thiếu hiệu quả, chưa thu hút được nhân dân.

Từ thực tế này, thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố Quy định một số nội dung chi, mức chi hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa thể thao cơ sở phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, hiện nay, mức chi hỗ trợ cho các hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa phụ thuộc vào khả năng cân đối ngân sách của các cấp, chưa có sự thống nhất đồng bộ trên địa bàn thành phố. Do đó, việc ban hành Nghị quyết về nâng cao hiệu quả hoạt động thiết chế văn hóa sẽ giúp các địa phương có điều kiện thuận lợi hơn trong nâng cao đời sống văn hóa tại cơ sở.

Từ quá trình khảo sát thực tế, Sở Văn hóa và Thể thao đã xây dựng mức chi đối với từng loại hình thiết chế cho phù hợp với hoạt động, cũng như tình hình kinh tế tại các địa phương. Thí dụ như dự thảo Nghị quyết quy định: Chi hỗ trợ mua sắm thiết bị một lần phục vụ cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại các trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã là 200 triệu đồng/thiết chế; tại nhà văn hóa - khu thể thao thôn là 75 triệu đồng/thiết chế; chi hỗ trợ xây dựng tủ sách cho trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã với mức 75 triệu đồng/tủ sách; hỗ trợ xây dựng tủ sách thôn với mức 50 triệu đồng/tủ sách.

Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa lâu nay vận hành bằng nguồn kinh phí do địa phương tự bố trí, hoặc do nhân dân đóng góp. Dự thảo Nghị quyết cũng sẽ tháo gỡ bài toán kinh phí bằng quy định chi hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với thiết chế văn hóa, thể thao xã 50 triệu đồng/1 năm; chi hỗ trợ nhà văn hóa - khu thể thao thôn 30 triệu đồng/1 năm. Ngoài ra, thành phố dự kiến chi hỗ trợ kinh phí để các xã, thôn tổ chức các giải thi đấu thể thao hằng năm.

Việc thành phố Hà Nội xây dựng dự thảo Nghị quyết Quy định một số nội dung chi, mức chi hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa thể thao cơ sở phục vụ xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2023-2025 được dư luận hết sức ủng hộ. Tiến sĩ Phan Đăng Long, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Hà Nội cho rằng, hiện tại, mức chi hỗ trợ cho các hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở các cấp phụ thuộc vào khả năng cân đối ngân sách địa phương, chưa thống nhất, đồng bộ, dẫn đến hiệu quả hoạt động không đồng đều.

Việc ban hành Nghị quyết sẽ khắc phục sự thiếu thống nhất đồng bộ này. Trên cơ sở quan trọng đó, Nghị quyết ra đời sẽ tạo một bước quan trọng, tạo điều kiện cho hệ thống các thiết chế được phát huy hiệu quả hơn. Phó Giáo sư Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cho biết: “Hiện nay, cư dân vùng nông thôn chiếm 55% dân số thành phố, cho nên việc quan tâm đầu tư đời sống văn hóa khu vực nông thôn là hết sức cần thiết.

Nông thôn Thủ đô mang nhiều bản sắc văn hóa độc đáo; tuy nhiên, muốn gìn giữ, xây dựng bản sắc riêng thì không thể thiếu các thiết chế văn hóa. Các cơ quan chức năng nên có đánh giá về thực trạng sử dụng các thiết chế văn hóa tại các thôn xã, nơi nào có hiệu quả, nơi nào thiếu hạng mục gì, cần hỗ trợ bao nhiêu để bảo đảm mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa. Ngoài ra, điều kiện kinh tế mỗi địa phương không giống nhau, vì vậy, nơi nào cần hơn thì đầu tư nhiều hơn”.

Một số chuyên gia cho rằng, hiện nay nhiều địa phương đã có nhà văn hóa được đầu tư hiện đại. Do đó, các cơ quan soạn thảo Nghị quyết cần khảo sát kỹ lưỡng hơn, thay vì “cào bằng”, cần xem xét mức độ hỗ trợ, phương pháp hỗ trợ để tránh lãng phí nguồn lực của thành phố, nhất là tại những địa bàn còn khó khăn.