Hệ thống khuôn khổ pháp lý về cho vay tiêu dùng nói chung và tài chính tiêu dùng nói riêng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoàn thiện, bổ sung phù hợp đặc thù cho vay tiêu dùng, tạo điều kiện phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng an toàn, lành mạnh.
Gia tăng sự hiện diện
Sự phát triển của tài chính tiêu dùng đã được ghi nhận không chỉ bởi sự gia tăng về quy mô và tốc độ tăng trưởng mà còn bởi những hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế-xã hội.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Phạm Thị Thanh Tùng, nhằm gia tăng tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của nhân dân, ba năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cấp phép thành lập mới nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện cho các tổ chức tín dụng.
Ðến nay, toàn hệ thống đã có 124 tổ chức tín dụng và gần 1.200 Quỹ Tín dụng nhân dân; đã có 16 công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và hơn 74 nghìn điểm giới thiệu dịch vụ, phục vụ khoảng 30 triệu khách hàng trên toàn quốc; có 4 tổ chức tài chính vi mô được cấp phép hoạt động với 64 chi nhánh và 59 phòng giao dịch tại 24 tỉnh, thành phố.
Đến 30/9, dư nợ cho vay tiêu dùng đạt khoảng 2,42 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 16% so cuối năm 2021, chiếm gần 21% dư nợ tín dụng nền kinh tế với 84 tổ chức tín dụng tham gia cho vay.
(Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)
Cũng theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến ngày 30/9, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 11,6 triệu tỷ đồng, tăng 10,9% so cuối năm 2021. Dư nợ cho vay tiêu dùng đạt khoảng 2,42 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 16% so cuối năm 2021, chiếm gần 21% dư nợ tín dụng nền kinh tế với 84 tổ chức tín dụng tham gia cho vay. Riêng với các công ty tài chính tiêu dùng, đến ngày 30/9, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty này đạt khoảng 145 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 20% so cuối năm 2021, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm gần 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng cũng chia sẻ, hoạt động cho vay tiêu dùng đã có bước nhảy vọt cả về số lượng tổ chức tín dụng tham gia, mức độ đa dạng về sản phẩm tín dụng tiêu dùng và quy mô dư nợ. Tăng trưởng dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân 10 năm 2010-2020 (33,7%) luôn cao hơn tăng trưởng dư nợ cho vay nền kinh tế (17,3%). Trong hai năm 2020 và năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng thấp hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, cùng với sự phục hồi của kinh tế-xã hội, tín dụng tiêu dùng có xu hướng tăng trưởng trở lại. Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng ngày càng tăng trong tổng dư nợ nền kinh tế, từ đó ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân, góp phần hạn chế "tín dụng đen" theo chủ trương của Chính phủ.
Tránh bẫy của "công ty tài chính mạo danh"
Hiện nay, dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt, nền kinh tế nói chung, các ngành sản xuất sản phẩm tiêu dùng, thị trường bán lẻ đang trong giai đoạn phục hồi, nhu cầu tiêu dùng của người dân về xây dựng, sửa chữa nhà ở, du lịch, học tập, chăm sóc sức khỏe,… sẽ tăng mạnh, kéo theo nhu cầu tín dụng tiêu dùng tăng trưởng cao.
Tuy nhiên, có một thực tế, dù đang tích cực giúp người dân tiếp cận được các nguồn vốn chính thức, qua đó góp phần ngăn chặn và đẩy lùi "tín dụng đen", nhưng hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép lại đang bị đánh đồng với các "công ty tài chính mạo danh", không hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng hay các quy định pháp luật ngân hàng khác.
Phó Tổng Giám đốc Công ty tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (thương hiệu FE CREDIT) Nguyễn Thành Phúc cho biết, thời gian qua, hoạt động kinh doanh của công ty nói riêng và các công ty tài chính nói chung nhiều khi lại bị hiểu nhầm là "tín dụng đen". Thực tế này ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác thu hồi nợ của công ty. Ðặc biệt, khi nhiều đối tượng xấu lợi dụng sự cả tin và kiến thức tài chính hạn chế của người dân để dụ dỗ cho vay, sau đó lại xưng danh công ty tài chính để đòi nợ bằng những hành vi thiếu chuẩn mực. Ðiều này khiến nhiều người dân lo sợ, mất lòng tin và không dám lựa chọn vay vốn từ các công ty tài chính.
Vì vậy, ông Phúc cũng bày tỏ mong muốn các công ty tài chính nói chung và FE CREDIT nói riêng sẽ nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành trong việc tiếp cận, cung cấp những khoản vay chính thống cho những đối tượng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của "tín dụng đen" như công nhân, nông dân, sinh viên… Mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét tạo điều kiện cho các công ty tài chính được kết nối với Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để giúp định vị khách hàng mục tiêu dễ dàng hơn; đồng thời giúp việc thẩm định, đánh giá khách hàng được chính xác, tiết kiệm nguồn lực cho các tổ chức tín dụng cũng như cả xã hội.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB Finance) Trần Thanh Nữ Tường Vy cũng cho hay, khi gõ từ khóa vay tiền trên Google thì sẽ thấy xuất hiện rất nhiều các website quảng cáo vay tiền nhanh chỉ cần căn cước công dân, không thẩm định,... Các website, app cho vay, mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending) tiếp cận khách hàng mọi nơi, cho vay dễ dàng, chỉ cần khách hàng chấp nhận lãi suất cao. Mô hình cho vay ngang hàng là hình thức dân sự, cho vay giữa cá nhân và cá nhân thông qua app trung gian.
"Vì vậy, việc cho vay lãi suất cao "cắt cổ" hay bị "xù nợ" đều không được bảo vệ quyền lợi, khó truy cứu trách nhiệm. Chưa kể hình thức P2P còn có thể là nơi núp bóng của tín dụng đen. Những loại hình này cũng gây hiểu nhầm, làm mất uy tín, ảnh hưởng tới các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép và quản lý", bà Tường Vy chia sẻ.
Gần đây xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động "tín dụng đen".
Theo Trung tá Ðỗ Minh Phương - Phó Trưởng phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), gần đây xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động "tín dụng đen". Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Ðồng thời, khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác.
Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội,... của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.
Vì vậy, thời gian tới, để tăng cường các biện pháp đẩy lùi "tín dụng đen", các bộ, ngành cần tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm đã được phân công tại Chỉ thị số 12/CT-TTg năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ; thường xuyên tổ chức tuyên truyền phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" trên các phương tiện thông tin đại chúng.
"Cục Cảnh sát Hình sự tham mưu Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương siết chặt công tác quản lý nhà nước về an toàn trật tự có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen", Trung tá Ðỗ Minh Phương cho biết.