Theo nghiên cứu từ FiinGroup, thị trường tài chính tiêu dùng sau khi phục hồi vào đầu năm 2021, lại bị gián đoạn khoảng sáu tháng do làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đà tăng trưởng đã phục hồi trong suốt quý cuối khi áp lực đại dịch giảm bớt. Thời gian đầy thử thách này cũng là một thay đổi tốt khi chứng kiến sự gia nhập của các công ty mới nổi đe dọa thị phần của những công ty “lão làng”. Trong khi vẫn còn những quan ngại về chất lượng tài sản của các công ty tài chính, năm 2022 được kỳ vọng là một năm tốt đẹp đối với thị trường tài chính tiêu dùng. Các danh mục sản phẩm tài chính được đa dạng hóa với kênh phân phối gắn với số hóa, hoạt động mua bán và sáp nhập do các nhà đầu tư nước ngoài dẫn đầu và các lực lượng cạnh tranh ngày càng cao từ những nhà cho vay thay thế như hiệu cầm đồ, các công ty fintech.
Về tăng trưởng với các khoản vay, do đà tăng trưởng đã bắt đầu phục hồi trên diện rộng kể từ quý IV/2021, nhưng thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đã khép lại năm tài chính 2021 với kết quả khả quan, đạt mức tăng trưởng hai con số. Khi hoạt động cho vay của các công ty tài chính có sự gia tăng do các hạn chế vì đại dịch đang dần được tháo gỡ, động lực tăng trưởng vẫn không đồng đều giữa các bên tham gia thị trường. Trong khi những “gã khổng lồ” như FE Credit, HD Saison trở nên dễ bị ảnh hưởng do mạng lưới phân phối khoản vay là các địa chỉ vật lý bị gián đoạn đột ngột, các công ty non trẻ như Mcredit, Shinhan Finance, Viet Credit với mô hình kinh doanh nhỏ và linh hoạt hơn đã tìm thấy cơ hội mở rộng thị phần. Bên cạnh việc đa dạng hóa danh mục đầu tư, việc tăng tốc số hóa cũng thúc đẩy việc tái định vị thị phần của các công ty tài chính tiêu dùng.
Trong các sản phẩm cho vay tiêu dùng chính trên thị trường, các khoản cho vay tiêu dùng lâu bền và các khoản vay cá nhân, cho vay tiền mặt đã tồn tại trong đại dịch tốt hơn các khoản vay khác. Bên cạnh nhu cầu tăng cao về tiền mặt trong thời kỳ kinh tế bất ổn, giãn cách xã hội cũng làm tăng nhu cầu tiêu dùng phục vụ mục đích làm việc và học tập từ xa, dẫn đến sự gia tăng của các khoản vay tiêu dùng lâu dài. Mặt khác, các khoản cho vay mua xe tiếp tục giảm do thị trường bão hòa và bối cảnh các đợt giãn cách vào các tháng cao điểm dịch của năm 2021. Thẻ tín dụng tăng trưởng chậm trước sự giảm tốc trên diện rộng của các công ty tài chính lớn.
Tăng trưởng tín dụng chậm hơn cùng với việc thực hiện kế hoạch giảm lãi suất đã làm giảm thu nhập của các công ty tài chính vào năm 2021. Bất chấp những nỗ lực của các công ty trong việc tối ưu hóa, giảm chi phí hoạt động, tăng tốc trích lập dự phòng và môi trường lãi suất thấp gây ra sự không chắc chắn đáng kể đối với lợi nhuận. Sự phục hồi đến từ bối cảnh vĩ mô phần lớn có lợi trong thời kỳ sau đại dịch, thúc đẩy nhu cầu tín dụng tiêu dùng. Hiện tại, các công ty tài chính đang mở rộng sang các phân khúc thu nhập phi lãi suất, đặc biệt là phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance).
Chất lượng tài sản của các công ty tài chính đã giảm đáng kể vào năm 2021 với tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh, lên đến 11%. Lĩnh vực tài chính tiêu dùng dự kiến sẽ có những thay đổi trong những năm tới với một số thay đổi về chính sách. Đáng chú ý, Thông tư số 17/2021/TT-NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng đã xây dựng khung pháp lý chính thức cho việc phát hành thẻ theo phương thức điện tử, tạo điều kiện phát triển ngân hàng số cũng như việc áp dụng thẻ tín dụng. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định hướng dẫn cơ chế hoạt động fintech trong lĩnh vực ngân hàng cung cấp khuôn khổ pháp lý đầy đủ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, ngăn ngừa rủi ro tài chính và thúc đẩy ổn định tài chính.
Trong năm 2021, 1,3 tỷ USD đã được huy động cho fintech tại Việt Nam. Hiện tại, tỷ lệ sử dụng ví điện tử tại Việt Nam đạt 66% trong số những người từ 16-29 tuổi. Trong một nghiên cứu về thói quen mua sắm trực tuyến ba năm trước, 95% các khoản thanh toán mua sắm trực tuyến là tiền mặt khi giao hàng. Ngày nay ở độ tuổi 16-29, chỉ có 64% trả tiền mặt khi giao hàng. Đây là bước tiến bộ lớn đối với các nền tảng thương mại điện tử.
Sự thay đổi về thói quen mua sắm, thanh toán cũng sẽ là một yếu tố chính thay đổi thị trường tài chính tiêu dùng trong vài năm tới. Hiện tại, các công ty tài chính đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng cao từ các công ty nhỏ mới nổi, các công ty fintech khởi nghiệp... Vì thế, các công ty tài chính này đang khai thác sâu hơn vào phân khúc thu nhập ngoài lãi sản phẩm để nâng cao lợi nhuận trong khi giảm phụ thuộc vào các hoạt động kinh doanh, thông thường là các sản phẩm cho vay tín chấp. Hoạt động thương mại trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng cũng đang nóng lên, được thúc đẩy bởi nguồn vốn nước ngoài dồi dào dưới cả hình thức mua lại trực tiếp và mua lại gián tiếp thông qua công ty mẹ trong khu vực.